Vượt khó mở đường
Tân Lập là thôn nằm cách xa trung tâm xã Chiêu Yên với 123 hộ, 99% là đồng bào người Dao. Chủ tịch UBND xã Mông Thanh Vấn nói rằng, trước khi các tuyến đường được bê tông hóa, bà con đi lại gặp nhiều khó khăn bởi đường liên thôn, trục thôn đều dốc trượt và nhiều đất đá. Những ngày lũ to, nhiều khu vực gần như biệt lập, trẻ con phải nghỉ học.
Thế nhưng đó là câu chuyện của 5 - 7 năm về trước. Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh về bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây.
Trở về từ nương trồng dong riềng, trên trán còn lấm tấm mồ hôi, anh Trương Tuyết Dũng, thôn Tân Lập rửa chân tay rồi mời chúng tôi vào nhà. Nhấp một ngụm nước mát, anh kể, khi được Bí thư chi bộ và trưởng thôn thông báo về kế hoạch làm và hoàn thiện 1.460 m đường giao thông nội thôn năm 2021, anh đã bàn với vợ và thống nhất hiến 200 m đất vườn của gia đình để mở đường. Anh bảo, nhà mình còn nhiều khó khăn lắm, kiếm tiền ở làng quê này cũng chẳng dễ, thế nhưng chặt vài gốc bưởi, lùi vài tấc đất để đường rộng mở, cho giao thương thuận lợi thì mình phải cố gắng. Nay có đường mới rộng đẹp, vợ chồng anh vay mượn tiền đầu tư trồng thêm 200 gốc na, duy trì 40 gốc bưởi đường bên nhà, cả 1 ha sắn cùng dong riềng vẫn còn đó, rồi kinh tế sẽ dần khấm khá… Gia đình anh Dũng là hộ nghèo của thôn, cũng là hộ hiến đất làm đường nhiều nhất trong năm vừa qua.
Tuyến đường bê tông nội thôn được hoàn thiện năm 2021 nhờ sự đóng góp và hiến đất của các hộ dân trong thôn.
Theo chân trưởng thôn Trương Văn Mạnh ra khu vực cầu Đồng Tráng 1 đang xây dựng, anh bảo, một nửa hộ dân thôn Tân Lập tập trung ở đây. Ngày trước, mưa kéo dài vài giờ là nước ngập đường, cả khu vực bị cô lập, nước rút thì bùn đất, sình lầy. Trẻ em, người già đi lại khó khăn…
Là 1 trong 5 hộ phải giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu, anh Đặng Văn Thắng nói: “Đất cũng giá trị đấy, nhưng phải nghĩ tương lai lâu dài cho con cái. Một chiếc cầu bắc qua có khi thay đổi cả một đời người”. Trẻ con được đi học, đến trường đều đặn, người dân có động lực làm ăn phát triển kinh tế. Thế nên khi có kế hoạch làm cầu, anh đồng ý chặt cây, giải phóng 100 m2 mặt bằng ngay.
Với phương châm Nhà nước hỗ trợ, người dân cùng làm, phong trào “cứng hóa” đường nội thôn được bà con thôn Tân Lập nhiệt tình hưởng ứng. Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Đặng Đức Cần chia sẻ: “Thời điểm đầu, mình kiên trì vận động, miệng nói tay làm, lắng nghe ý kiến của bà con. Về sau cứ nhà này nhìn nhà kia hiến đất, rồi thấy cái lợi của làm đường là con cái đi học thuận lợi, vận chuyển hàng hóa dễ dàng… nên có chủ trương làm đường là bà con lại tự động bảo nhau dịch rào, hiến đất”.
Từ năm 2015 đến nay, hơn 5,1 km đường thôn ở Tân Lập đã được bê tông hóa hoàn toàn với sự đóng góp trên 1,4 tỷ đồng của bà con nhân dân. Có đường giao thông thuận lợi, nhiều hộ gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá.
Mở hướng xóa nghèo
Trước đây, Tân Lập là thôn đặc biệt khó khăn bởi bà con chỉ biết dựa vào cây lúa, cây ngô phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi diện tích cây trồng cho năng suất thấp sang trồng cây dong riềng đã giúp đời sống của bà con nơi đây ngày một khởi sắc. Nhiều gia đình xây được nhà kiên cố, lợp mái tôn, trẻ em được học hành đầy đủ… Số hộ nghèo của thôn năm 2021 chỉ còn 12 hộ, chiếm 9,7%.
Vườn bưởi của gia đình chị Trương Thị Thủy cho thu lãi trên 120 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng dong riềng xanh biếc, trưởng thôn Trương Văn Mạnh nói, toàn thôn hiện có trên 70 ha diện tích đất trồng dong riềng. Đối với bà con người Dao, dong riềng được coi là cây “lộc trời” bởi chẳng kỳ công chăm sóc lại sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất đá đồi núi nơi đây. Từ trồng dong riềng lấy củ thô, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư máy xát, máy nghiền, xây dựng hệ thống bể lọc để thu mua và trực tiếp chế biến tinh bột dong. Những ngày này, dễ dàng bắt gặp xe tải chở đầy tinh bột dong trắng muốt do các thương lái đến tận nơi thu mua. Sự tất bật trên những cung đường làng khiến người ta liên tưởng đến một mùa no ấm.
Thôn Tân Lập có 123 hộ dân thì có 45 hộ chăn nuôi lợn thịt, tổng đàn trên 450 con. Cùng với phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, bà con cũng tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, na, từ đó vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình chị Trương Thị Thủy và anh Trương Văn Việt trước đây là hộ nghèo của thôn. Năm 2015, anh chị mạnh dạn cải tạo đất vườn, trồng 50 gốc bưởi diễn, duy trì 2 sào trồng dong riềng. Trung bình mỗi năm cho thu lãi trên 150 triệu đồng. Đến nay, anh chị đã xây lại được ngôi nhà mới khang trang, anh đi lái xe thu gom bưởi khắp Chiêu Yên, Xuân Vân, Lực Hành chở về thành phố. Nhờ đó, gia đình anh, chị có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Bí thư chi bộ Đặng Đức Cần cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của bà con nhân dân, đời sống nơi đây ngày một cải thiện. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan rộng, tạo sự khích lệ trong thi đua lao động, sản xuất. Nhiều hộ đã đổi mới cách nghĩ, cách làm từ đó tạo được thu nhập ổn định, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế như trưởng thôn Trương Văn Mạnh, hộ gia đình ông Trương Văn Cường, Bàn Văn Tuyên, Trương Văn Việt…
Rời Tân Lập trên tuyến đường bê tông mới cùng những vườn bưởi sai trĩu quả, những đồi na đang lên mơn mởn lộc non, một làng quê trù phú hiển hiện trước mắt. Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thế nhưng sự nỗ lực vươn lên không mỏi mệt của bà con nơi đây đang từng ngày vẽ nên bức tranh nông thôn mới đủ đầy, no ấm.
Gửi phản hồi
In bài viết