Liên minh châu Âu (EU) đã rơi khỏi nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Die Welt (Đức), trong lĩnh vực đang “nóng” của nhân loại lúc này là trí tuệ nhân tạo (AI), Liên minh châu Âu (EU) đã rơi khỏi nhóm dẫn đầu. Đây là điều đáng tiếc dù liên minh này có tầm nhìn rất sớm.
Năm 2018, Brussels đã công bố Kế hoạch phối hợp của EU về AI, trong đó nhận thức rõ tầm quan trọng của làn sóng AI, với quan điểm rằng, công nghệ này sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người giống như động cơ hơi nước và điện trước đây. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các khu vực khác của thế giới ngày càng bỏ xa châu Âu, với những số liệu mới trở thành minh chứng rõ nét về việc EU thất bại trong việc huy động vốn đầu tư cho các công nghệ của tương lai.
Từ lâu, EU đã tìm cách bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong phát triển các công nghệ liên quan tới AI bằng cách cung cấp nguồn tài trợ và ban hành những quy định chung để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư bên trong liên minh. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) cho thấy, khoảng cách đầu tư giữa Mỹ với EU về AI không những chưa giảm, mà còn tăng gấp đôi vào năm 2020 - thời điểm EU ghi nhận đầu tư 10 tỷ euro cho lĩnh vực này.
Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) công bố Kế hoạch phối hợp của EU về AI sửa đổi với mong muốn thúc đẩy hoạt động đầu tư cho lĩnh vực này từ kênh tư nhân, nhưng kết quả vẫn gây nhiều thất vọng. Năm 2023, đầu tư cho AI ở EU và Anh cộng lại chỉ đạt 9 tỷ euro, thấp hơn khoảng 7 lần so với ở Mỹ (khi đó đã đầu tư tới 63 tỷ euro). Rõ ràng, không thành công trong huy động các nguồn lực tài chính tự chủ đã kìm hãm những ý tưởng tốt và các kế hoạch chiến lược bài bản của Lục địa già về AI.
Trí tuệ nhân tạo mới chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh ảm đạm về sức cạnh tranh của châu Âu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ hiện nay. Về không gian, châu Âu cũng đang gặp khó khăn lớn khi dự án phát triển tên lửa Ariane 6 đã chậm trễ hơn 4 năm, còn dự án phát triển tên lửa Vega-C của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gặp thất bại đầu tiên trong lần phóng thương mại. Xung đột ở Ukraine cũng “đóng băng” mọi hoạt động hợp tác trong lĩnh vực không gian với Nga.
Những khó khăn chồng chất khiến châu Âu lúc này cơ bản không còn khả năng tự chủ tiếp cận không gian. Chưa kể tới một thực tế rằng, công nghiệp vũ trụ của Lục địa già còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này như SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Trong lĩnh vực phát triển các công nghệ thân thiện với khí hậu, EU cũng đang trong tình trạng tương tự. Năm ngoái, Trung Quốc đầu tư gần 500 tỷ euro vào lĩnh vực này, châu Âu đầu tư 165 tỷ euro và Mỹ là 130 tỷ euro. Nhưng xét theo bình quân đầu người, Mỹ đứng vị trí đầu tiên, tiếp theo là Nhật Bản, EU chỉ đứng ở vị trí thứ 3. Trong hai lĩnh vực chính là chuyển đổi xanh và số hóa, châu Âu đang gặp khó khăn trong việc theo kịp các đối thủ cạnh tranh.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung từ Nga và Trung Quốc trong khi lại là đối tác chiến lược của Mỹ trong các vấn đề an ninh khiến EU rơi vào thế khó. Phần lớn thành công của châu Âu trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu lúc này phụ thuộc vào cách Brussels phản ứng với thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng, châu Âu lúc này muốn vực dậy các lĩnh vực phát triển sẽ đối mặt nhiều thách thức lớn. Sự chia rẽ nội bộ trong liên minh về các vấn đề địa chính trị và kinh tế, sức ép tài chính khởi nguồn từ xung đột Ukraine và những điểm nóng trên thế giới… đều là gánh nặng không dễ gỡ bỏ.
Nói như vậy có nghĩa là, để hiện thực hóa tham vọng cạnh tranh, EU và các quốc gia thành viên phải hợp tác tốt hơn, tập trung củng cố các nguồn lực kinh tế, gia tăng tính tự chủ trong chuỗi cung ứng, qua đó mở đường cho những nỗ lực phát triển nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Chỉ có như vậy, châu Âu - một thời là trung tâm của đỉnh cao trí tuệ và những phát kiến, mới không bị chậm chân trong các trào lưu của thời đại.
Gửi phản hồi
In bài viết