Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà phát biểu. Ảnh Thu Hằng
Ngày 12-3-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Bảng xếp hạng được công bố thể hiện hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Theo kết quả công bố, Hà Nội có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, là địa phương đứng thứ nhất cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà cho biết, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2023 đã chỉ rõ các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết cũng như cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách nhằm thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Bên cạnh đó, PII cũng giúp đánh giá năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo; chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo; xây dựng các chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các chiến lược, kế hoạch của Hà Nội.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã giới thiệu cách thức thu thập, xử lý số liệu, xác định các điểm mạnh, điểm yếu và đề xuất giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số PII của Hà Nội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
ThS. Nguyễn Thị Phương Mai, nghiên cứu viên Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho biết, PII gồm 52 yếu tố thành phần, chia làm 7 trụ cột. Dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn thứ hai do các địa phương thu thập và cung cấp (có 13/52 chỉ số).
Đi sâu vào Bộ chỉ số của Hà Nội, ThS. Nguyễn Võ Hưng, Trưởng Ban Chính sách Đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chỉ rõ, Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo...
Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội đều đạt điểm tuyệt đối, như: Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân...
Tuy nhiên, Hà Nội có 11 chỉ số thuộc nhóm 20 địa phương đứng cuối cả nước, bao gồm: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí gia nhập thị trường; chi cho khoa học và công nghệ/GRDP (%); tính năng động của chính quyền địa phương; quản trị môi trường; chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã...
ThS.Nguyễn Võ Hưng khuyến nghị, Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh (Trụ cột 1: Thể chế); tăng cường chi cho khoa học và công nghệ từ ngân sách địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Trụ cột 2: Vốn con người và nghiên cứu & phát triển); tập trung cải thiện môi trường sinh thái (Trụ cột 3: Cơ sở hạ tầng); tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp (Trụ cột 5: Trình độ phát triển của doanh nghiệp); khuyến khích, hỗ trợ đăng kí doanh nghiệp khoa học và công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo (Trụ cột 6: Sản phẩm tri thức sáng tạo và công nghệ); cải thiện kết quả sản xuất - kinh doanh, chỉ số sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lao động trong địa phương, nâng cao giá trị xuất khẩu (Trụ cột 7: Tác động).
“Hà Nội đứng nhất cả nước về đổi mới sáng tạo nhưng so với các trung tâm khác ở khu vực và thế giới, vị trí của Hà Nội còn rất xa. Câu chuyện của Hà Nội có lẽ không chỉ là câu chuyện của địa phương, mà phải là câu chuyện quốc tế. Hà Nội cần tiếp tục cải thiện để có thể cạnh tranh với các trung tâm đô thị khác ở khu vực và thế giới trong việc hấp thụ nguồn đầu tư, hấp thụ nhân tài...”- ông Hưng bày tỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết