Tuyên bố của EC nêu rõ, chiến lược mới sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ tiếp theo, bảo đảm một môi trường kỹ thuật số cởi mở, an toàn, đáng tin cậy, công bằng và toàn diện dành cho công dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan hành chính công của Liên minh châu Âu (EU).
Cũng theo tuyên bố, so với Web 3.0 mang tính mở, phân cấp và trao quyền đầy đủ cho người dùng, Internet thế hệ tiếp theo, hay Web 4.0, sẽ cho phép tích hợp giữa các đối tượng, môi trường kỹ thuật số và thực, đồng thời, nâng cao tương tác giữa con người và máy móc.
Báo cáo hồi tháng 3 về triển vọng kinh tế EU sau năm 2030 nhấn mạnh, số hóa là một trong những động lực chính và Web 4.0 là một quá trình chuyển đổi công nghệ lớn. Quy mô thị trường thế giới ảo toàn cầu được ước tính sẽ tăng từ 27 tỷ euro năm 2022 lên hơn 800 tỷ euro vào năm 2030.
EU cũng thông báo sẽ thúc đẩy các nguyên tắc hướng dẫn đối với thế giới ảo vào cuối năm 2023 và phát triển “Citizen toolbox”, một loại công cụ nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường đội ngũ chuyên gia thế giới ảo tài năng, ở quý đầu tiên của năm 2024.
Để mở rộng quy mô và giải quyết tình trạng phân mảnh trong lĩnh vực kỹ thuật số, EC sẽ hỗ trợ hệ sinh thái công nghiệp Web 4.0 của châu Âu. Quan hệ đối tác về thế giới ảo trong Horizon Europe, chương trình tài trợ chính cho nghiên cứu và đổi mới của EU với ngân sách 95,5 tỷ euro, sẽ giúp các nhà phát triển và người dùng công nghiệp lại gần nhau.
Để hỗ trợ tiến bộ xã hội và các dịch vụ công ảo nhằm tận dụng những cơ hội mà thế giới ảo có thể mang lại, EC đã ra mắt hai sản phẩm mới, gồm “CitiVerse” - một môi trường đô thị hòa nhập có thể được sử dụng để lập kế hoạch và quản lý thành phố; “European Virtual Human Twin” có khả năng mô phỏng cơ thể con người để hỗ trợ các quyết định lâm sàng và điều trị cá nhân.
EC cũng sẽ tham gia với các bên liên quan về quản trị Internet trên toàn thế giới và thúc đẩy các tiêu chuẩn Web 4.0 phù hợp với tầm nhìn và giá trị của EU.
Gửi phản hồi
In bài viết