Châu Âu ứng phó với làn sóng di cư từ Afghanistan: Tránh những sai lầm trong quá khứ

- Trong bối cảnh lo ngại dòng người di cư từ Afghanistan đang rời khỏi đất nước, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc đàm phán khẩn cấp để cân nhắc những tác động an ninh sau sự kiện này. Theo đó, các nước châu Âu nhất trí cho rằng, Lục địa già cần tạo hành lang nhân đạo để tiếp nhận người tị nạn trốn chạy khỏi Afghanistan nhưng cũng cần một đường hướng cụ thể nhằm tránh lặp lại những sai lầm như đã từng xảy ra trong quá khứ.


Người dân di chuyển vào sân bay quốc tế Hamid Karzai để rời khỏi Afghanistan sau
 khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Ảnh: REUTERS

Theo Euronews, khi chuyên gia chính sách đối ngoại của EU Kemal Kirisci cảnh báo về “một cuộc di cư ồ ạt của những người tị nạn chạy khỏi Afghanistan có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng di cư khác” vào tháng tư vừa qua, nhận định của ông không tạo nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, đến nay, khi Taliban đã tiếp quản đất nước Afghanistan, những dự đoán của ông bắt đầu trở thành hiện thực. 

Theo cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR), từ đầu năm tới nay có khoảng 400.000 người Afghanistan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Đại diện của UNHCR tại Afghanistan Caroline Van Buren cho biết, hằng tuần có khoảng 20.000 đến 30.000 người rời khỏi đất nước. Đơn xin tị nạn của công dân ở nước này đã tăng 1/3 kể từ khi có thông tin về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, bà Caroline Van Buren cũng cho biết: “Chúng ta đang thấy xu hướng của những người di chuyển không theo quy luật, những người chạy trốn vì sự an toàn của bản thân mà không có giấy thông hành và họ đối diện nhiều nguy cơ bị bóc lột”.

Theo hãng tin AP, sự xuất hiện của hơn một triệu người di cư vào năm 2015, chủ yếu đến từ Syria và Iraq đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất cho 27 nước thành viên EU. Các mâu thuẫn nội bộ kéo dài đến nay và một làn sóng di cư mới từ Afghanistan có thể sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng đó. Phát biểu vào ngày 17-8 (giờ châu Âu), người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở ra các cuộc đàm phán với Taliban nhằm ngăn chặn một cuộc di cư mới của người tị nạn Afghanistan. Ông lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở quốc gia bị tàn phá bởi xung đột này. Hiện EU đang cân nhắc có nên viện trợ nhân đạo cho quốc gia này nữa hay không, sau quyết định tạm ngừng từ khi Taliban nắm quyền ở Afganistan.

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Chúng ta không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ khi châu Âu không cung cấp đủ tiền cho UNHCR và các chương trình viện trợ khác, dẫn tới việc dòng người tị nạn từ Syria rời khỏi các trại tị nạn ở Lebanon và Jordan để tìm đường đến châu Âu”. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU cần có một cơ chế mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ mạng lưới buôn người nào, tìm cách lợi dụng những người Afghanistan dễ bị tổn thương đang cố gắng chạy trốn về phía Tây.

Còn Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson nhấn mạnh, cần đưa ra các con đường hợp pháp, an toàn và có tổ chức trong vấn đề người di cư. Trong vấn đề người di cư Afganistan. EU cần sự hỗ trợ thông qua các tổ chức quốc tế, cũng như sự hợp tác với Pakistan, Iran và Tajikistan - những quốc gia có đường biên giới với Afganistan. Hanne Beirens, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách di cư châu Âu nhận định, kể từ năm 2015, EU đã “tìm cách làm việc với các nước thứ ba để giảm bớt gánh nặng cho dòng người di cư tiến về châu Âu”. 

Cách đây 6 năm, Đức đã mở cửa biên giới cho hơn 1 triệu người di cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo - quyết định táo bạo này của bà A.Merkel đã nhận được sự khen ngợi ở nước ngoài nhưng lại gây tranh cãi trong nội bộ. Giờ đây, các nhà lãnh đạo châu Âu đã vạch ra một đường hướng cụ thể hơn để vừa thể hiện trách nhiệm của họ với những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước nhưng cũng tránh được những sai lầm trong quá khứ.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục