Trăn trở với chè
Những năm 2000, cây chè dù nuôi sống nhiều nếp nhà người Tày nơi đây, nhưng cái nghèo vẫn bủa vây. Anh Thắng chia sẻ: Trong những lần anh chở chè mang bán các nơi, anh đều mang sản phẩm chè của nhà đi biếu, tặng, mời nhiều khách hàng thưởng thức. Ai cũng thích, có người trở thành khách “ruột” đến bây giờ. Những lúc như vậy, anh lại trăn trở: Chè quê hương ngon vậy, sao vẫn rẻ?
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long kiểm tra chất lượng búp chè trồng theo hướng hữu cơ, giới thiệu xưởng chế biến chè.
Những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu anh suốt một thời gian dài. Làm sao để nâng cao giá trị cây chè Trung Long? Trong một lần ra tỉnh ngoài, thấy người ta làm chè sạch đem lại giá trị cao, anh tự đến tìm hiểu, học hỏi và ý tưởng làm chè sạch nhen nhóm trong đầu anh từ ngày ấy.
Anh Thắng giữ mối liên lạc và đi tham quan quy trình chăm sóc, chế biến chè sạch của một công ty ở Hải Dương, thăm mô hình chè ở Thái Nguyên. Những đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên) trù phú bát ngát đã hút hồn anh. Cũng là cây chè nhưng họ có thu nhập khá cao. Với tư duy của một người làm nghề kinh doanh, anh Thắng không định hướng phát triển quy mô kinh tế gia đình mà hướng đến sự hợp tác với người dân địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm chè. Anh nghĩ: Muốn làm chè “thương mại” thì từ A đến Z phải chuyên nghiệp. Nghĩa là từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, bảo quản rồi quảng bá sản phẩm, tất cả đều phải chuyên nghiệp.
Năm 2012, từ số vốn tích góp được sau bao năm kinh doanh, anh Thắng “rút” dần để đầu tư vùng nguyên liệu chè sạch VietGAP, bao tiêu đầu ra cho bà con; xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để tự động hóa khâu chế biến; thuê người thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm...
Khi được hỏi về tổng số tiền đã đầu tư, anh Thắng cười nhẹ: “Chắc phải “ngốn” đến tiền tỷ rồi đấy! Nhưng đây đều là những thứ cần thiết nếu muốn làm chè chuyên nghiệp”.
Đưa giá trị chè tăng 10 lần
Khi tiếp xúc sâu hơn với những người làm chè ở địa phương, anh Thắng nhận ra bà con chủ yếu sản xuất chè theo hướng truyền thống, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không có nhãn hiệu sản phẩm nên sản lượng và giá trị từ cây chè mang lại không cao. Do vậy, năm 2015 anh Thắng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Ngân Sơn Trung Long do anh làm Giám đốc.
Sơ chế chè búp tươi, công đoạn đầu tiên để chế biến các sản phẩm chè.
Anh Thắng bộc bạch: “Mục tiêu của tôi và cộng sự khi xây dựng HTX là muốn bà con biết làm chè thương mại. Để giải quyết bài toán này, ròng rã suốt 4 năm, chúng tôi vận động, đồng hành cùng bà con. Chúng tôi đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Một trong số ưu tiên của hợp tác xã là phân loại từ vùng nguyên liệu. Mời bà con đến cùng chọn lọc ngay tại xưởng, hướng dẫn hái như thế này thì mới được giá, hái như thế kia không được giá và nó làm ảnh hưởng không tốt đến cây chè, rồi thời điểm nào thu hái và hái búp chè ra sao? Giờ bà con đã thành thạo và đáp ứng rất tốt khi hợp tác xã đặt hàng chè, được phân loại ngay từ vùng nguyên liệu. Ví dụ, khi cần chè một tôm hai lá hay một tôm một lá thì bà con đáp ứng được ngay. Nếu năm 2012, 1 kg chè Trung Long chỉ bán giá không quá 60.000 đồng, thì nay, giá trị cây chè Trung Long đã tăng gấp 10 lần, riêng sản phẩm chè xanh Trung Long OCOP 3 sao hiện đã có giá 250.000 đồng/kg. Còn loại chè cao cấp, trà xanh hữu cơ Trung Long OCOP 4 sao bán giá 600.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán hơn 20 tấn chè khô các loại, doanh thu đạt hơn 700 triệu đồng”, anh Thắng kể lại trong sự vui mừng.
Đến nay, Hợp tác xã Chè Ngân Sơn Trung Long có 8 thành viên chính thức và 40 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu chè rộng hơn 20 ha. Bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt hơn 50 tấn.
Sản phẩm chè của HTX đã được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh... Sản phẩm chè Trung Long đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm ở các vùng miền, được đông đảo khách hàng tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là thành công bước đầu của HTX.
Chè Trung Yên vươn ra thế giới
Trong câu chuyện về phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Trung Yên, đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên tự hào kể cho chúng tôi nghe về sản phẩm chè Trung Yên, bởi đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở thị trường một số nước Trung Đông như Pakitan, Afghanistan.
Nói về việc chè Trung Yên xuất khẩu sang Trung Đông, anh Thắng kể, đó là câu chuyện năm 2019, một khách hàng ở Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn chè Trung Long làm quà tặng. Sau khi sử dụng chè Trung Long, vị khách trên đã quay lại Trung Yên. Ông tâm sự rằng rất “say đắm những đồi chè Trung Yên”. Sau khi được vị khách này kết nối với các đơn vị thu mua chè ở Trung Đông. Anh nghĩ rằng: Trung Yên có vùng nguyên liệu chè rộng lớn, với những sản phẩm chè loại 3, 4 (chè giá rẻ) hiện đang rất khó tiêu thụ. Thị trường Trung Đông họ lại rất cần loại chè này. Cơ hội là đây chứ đâu! Tháng 4-2022, anh Thắng kết nối với các cộng sự, thành lập Công ty cổ phần Chè Sơn Dương tại xã Trung Yên.
Hiện nay, ngoài việc bao tiêu sản phẩm chè của các thành viên HTX, công ty còn bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trồng chè trong thôn, xã và một số xã Minh Thanh, Tân Trào (Sơn Dương); Kim Quan, Chân Sơn, Lang Quán (Yên Sơn)... Đầu năm 2023, công ty đã xuất khẩu sang Trung Đông trên 50 tấn chè khô, với giá trên 40.000 đồng/kg chè khô. Việc chè Trung Yên có mặt ở Trung Đông là điều quý giá.
Để xuất khẩu chè ra thế giới là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Đơn vị phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè của công ty được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi hộ trồng chè đều được Hợp tác xã kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm, nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi.
Nói về định hướng phát triển của HTX và công ty, anh Thắng quả quyết: “Vẫn là hướng ban đầu thôi. Đó là “Làm sao để nâng cao giá trị cây chè Trung Long?”. HTX vẫn kiên trì con đường sản xuất chè sạch để tạo nên một thương hiệu chè giá trị. Mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu chè thị trường một số nước Trung Đông”.
Gửi phản hồi
In bài viết