Mạch nước thiêng giữa rừng già
Từ rất lâu, tại thôn Yểng con suối Nằm Đặt đã có những biểu hiện kỳ bí, trời lạnh nước ấm như đã được hâm nóng còn mùa hè dòng nước lại mát lạnh. Giữa suối có một mạch nước ngày đêm phun trào từ dưới lòng đất lên.
Theo Trưởng thôn Sùng Văn Tây thì suối Nằm Đặt, tiếng Nùng dịch ra là suối nước nóng. Người già ở đây thường kể với nhau truyền thuyết, ngày xưa tại đây là cổng trời. Ngọc Hoàng thường cho những tiên nữ xuống đón người tài giỏi ở trần gian lên trời thưởng ngoạn. Suối nước nóng nằm cách xa đường và được cây cối bao bọc xung quanh là suối mà các tiên nữ hay tắm. Cũng có người nói rằng, xa xưa một nhóm người đến thôn Yểng khai hoang, lập nghiệp. Do thời tiết khắc nghiệt, vùng đất này khô hạn không có nước ăn, sản xuất nông nghiệp mất mùa. Người dân mang lễ vật cầu xin Ngọc Hoàng ban cho nguồn nước. Suối Nằm Đặt có từ đây.
Theo chân đến mục sở thị suối nước nóng lộ thiên này, mấy đứa nhỏ con tầm lớp 3, lớp 4 ríu rít: “Chúng cháu cũng toàn tắm bằng nước này thôi. Thích lắm!”.
Cái thú của suối ở đây là nhiệt độ thay đổi thích hợp theo mùa. Mùa đông thì nóng hôi hổi, nghi ngút hơi nước, mùa hè độ nóng dịu hơn. Nhiều người bảo, tắm ở đây giúp hết các bệnh ngoài da, người già ngâm người, chân, tay sẽ chữa được bệnh đau nhức xương khớp…
Đồng chí Linh Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi xác nhận, con suối này đúng là có sự khác biệt về nhiệt độ. Trời lạnh nước ấm, trời nóng nước mát mẻ. Còn nước bắt nguồn từ đâu phun lên vẫn chưa có kết luận chính thức. Những năm gần đây, nhiều người biết đến suối nước nóng này, họ đến cắm trại, tắm và vui chơi bên bờ suối này. Xã mong muốn cơ quan chức năng, doanh nghiệp có sự đầu tư để phát triển du lịch cho địa phương.
Được biết, bên cạnh suối nước nóng lộ thiên thì ở thôn Yểng còn có các hang động trên núi. Đi sâu vào phía trong có nhiều nhũ được tự nhiên “mài giũa” qua năm tháng rủ xuống từ phía trần động. Trong hang khí hậu mát mẻ có nhiều loại chim sinh sống, là điểm đến cho những du khách ưa thích khám phá, trải nghiệm.
Nét văn hóa nhuộm chàm vẫn luôn được bà con nơi đây gìn giữ.
“Lạ miệng” với món ngon từ đỗ tương
Thôn Yểng có 86 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Nùng. Bà con nơi đây luôn giữ gìn bản sắc dân tộc với những nét ẩm thực độc đáo, trong đó có nhiều món ăn lạ, ngon miệng từ hạt đỗ tương. Anh Sùng Văn Tây chia sẻ, nhờ chất đất hợp với đỗ tương nên bà con nơi đây trồng nhiều đỗ và chế biến nhiều món ăn ngon từ loại hạt này. Đó là món tương đậu xị và đậu phụ xị.
Chị Dì Thị Mươi chia sẻ bí quyết làm các món này. Nguyên liệu cần chọn những hạt đậu tương to, tròn, đều, khô có màu vàng độc đáo. Trước hết, với món tương đỗ xị thì rang giòn hạt đỗ rồi đổ nước vào đun đến khi nhừ. Sau đó vớt ra ủ khoảng 4, 5 ngày lên men. Công đoạn cuối cùng là đem các gia vị như gừng, vỏ cam, ớt, muối, rượu trộn đều rồi bỏ vào lọ bịt kín trong hai tuần là đem ra thưởng thức. Tương đậu xị có tính ấm, mang vị thơm độc đáo hòa cùng vị cay nhẹ, nồng nàn béo bùi của hạt đậu. Người Nùng thường làm nước chấm rau sống, rau luộc, thịt luộc; xào chung cùng thịt hoặc có thể ăn trực tiếp với cơm đều mang đến hương vị đặc trưng, lạ miệng cho thực khách.
Món tương đậu xị và đậu phụ xị của người Nùng.
Còn với món đậu phụ xị thì khá cầu kỳ. Đậu tương trồng trên nương được nắng vàng óng cho vào xay và ép thành đậu phụ. Sau đó, người Nùng xắt thành những miếng đậu vuông nhỏ, phơi khô sém miếng đậu dưới nắng trời. Sau khi phơi đậu vừa sém cạnh, cho đậu vào chum ủ lên men mốc khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Khi ủ đậu lên mốc, đem đậu ra rửa sạch rồi cho vào trộn với gia vị. Khi trộn các loại gia vị gia truyền, cho thêm rượu trắng vào để ướp cho dậy mùi. Gia vị để ngâm đậu thành đậu phụ xị là ớt khô nghiền thành bột hoặc giã nhỏ, vỏ cam phơi khô nghiền nhỏ, hạt xẻn, hạt dổi, hoa hồi… Với món ăn này thì khoảng 3 đến 6 tháng mới ăn được.
Bí quyết đối với món tương đậu xị và đậu phụ xị thơm ngon là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và dùng đồ nghề làm đậu phải dùng riêng, không dùng chung với các đồ dùng khác, khi ngâm đậu phụ tuyệt đối không để dính dầu mỡ. Đây là những món ăn mà hầu hết gia đình nào cũng làm để ăn quanh năm bởi dễ ăn và bảo quản được lâu dài.
Ẩm thực người Nùng thôn Yểng khá phong phú với những món ăn như: nằm khau, bánh khảo, bánh vắt vai… Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán như nhuộm chàm với những kiêng cữ khác lạ (xem ngày đẹp để dựng thùng chàm, tránh người có vía xấu đi qua thùng chàm…). Hiện nay, hầu hết phụ nữ thôn Yểng đều biết tự làm trang phục truyền thống. Bà con gìn giữ những tục lệ như lễ cúng cơm mới, cúng thần rừng, lấy nước đầu năm mới... Tất cả làm nên một bản sắc riêng biệt, đặc trưng của bản làng nơi đây thu hút những ai yêu thích du lịch khám phá đến trải nghiệm và cảm nhận.
Gửi phản hồi
In bài viết