Năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tác động sâu sắc đến tình hình cách mạng ở Việt Nam. Trước tình thế đó, ngày 6-11-1939, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ sáu đã họp tại Bà Điểm (Gia Định). Hội nghị chủ trương “phải kịp thời chuyển hướng hoạt động bí mật. Hoạt động bí mật không phải là nằm im trước sự khủng bố của giặc. Đảng vẫn phát triển lực lượng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc để đánh bại kẻ thù của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc phát xít...”. Hội nghị chỉ rõ muốn có thực lực cách mạng phải xây dựng được cơ sở trong các giai tầng xã hội, phát triển lực lượng đồng đều ở mọi địa bàn nông thôn cũng như thành thị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tới vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào thiểu số, nơi đông đảo thợ thuyền phải được đặc biệt chú trọng.
Di tích Chi bộ Mỏ Than tại tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Cảnh Trực
Tại Tuyên Quang, mặc dù phong trào đấu tranh của Nhân dân thị xã đã phát triển, cơ sở quần chúng được mở rộng, song chưa có tổ chức Cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Nắm vững chủ trương của Trung ương Đảng, đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Sau quá trình chuẩn bị, ngày 20-3-1940, lễ thành lập Chi bộ Mỏ than được tổ chức tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến) nay thuộc tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Đồng chí Đào Duy Kỳ, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã thay mặt Xứ ủy công nhận và giao nhiệm vụ cho chi bộ: Chi bộ Mỏ Than gồm có 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (tức Hồng lớn), Bùi Văn Đức (tức Đức Kim), Lương Hải Bằng (tức Lương Văn Hải), Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà hạt nhân ban đầu là Chi bộ Mỏ Than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ. Ngày 10-3-1945 khởi nghĩa Thanh La nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi là tiền đề để hàng loạt các địa phương khác trên địa bàn tỉnh khởi nghĩa giành thắng lợi. Đây chính là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển từ căn cứ địa Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) và chọn đây làm Thủ đô Khu Giải phóng để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và làm Thủ đô Kháng chiến trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.
Việc thành lập Chi bộ Mỏ Than đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển cách mạng của tỉnh Tuyên Quang. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Mỏ Than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang ngày càng phát triển và dần mở rộng, tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi, hướng quần chúng lao khổ theo con đường đấu tranh đòi cơm áo, độc lập, tự do. Đó cũng là cơ sở cho sự thành lập của Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang giữa năm 1941 và sau này là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.
84 năm đã trôi qua, Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ Than đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hôm nay. Các hoạt động như tôn tạo, xây dựng di tích khang trang, sạch đẹp; tổ chức tham quan, tìm hiểu di tích, tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới… tại di tích đã khẳng định sự trân trọng và phát huy các giá trị to lớn của di tích đối với sự nghiệp đấu tranh, phát triển của Đảng. Từ Chi bộ Đảng đầu tiên - Chi bộ Mỏ Than chỉ với 7 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã có 10 đảng bộ trực thuộc, 432 tổ chức cơ sở đảng với trên 58 nghìn đảng viên. Năng lực, sức chiến đấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ngày nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn, trường học trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên chọn Di tích Chi bộ Mỏ Than để tổ chức hoạt động nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Đồng chí Lý Thị Hương Mai, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) cho biết, hàng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh đến tham quan, tăng cường tuyên truyền về các di tích lịch sử, di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Di tích Chi bộ Mỏ Than. Qua đó đã giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh để các em hiểu hơn về lịch sử vẻ vang của cách mạng nước nhà. Từ đó thôi thúc học sinh phấn đấu vươn lên, ra sức học tập và rèn luyện để sau này trở thành những người công dân có ích cho quê hương và đất nước.
Giáo viên, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) tham quan,
tìm hiểu về Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ Than.
Đồng chí Tạ Quang Vinh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 12, phường Minh Xuân phấn khởi nói, tổ có 180 hộ, 700 nhân khẩu luôn đoàn kết một lòng, vững tin theo Đảng. Đời sống của người dân ngày một nâng cao nhờ ánh sáng soi đường của Đảng và sự cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên chiến thắng nghèo nàn lạc hậu của mỗi hộ dân. Phần lớn người dân đều xây được nhà kiên cố, mua được ô tô, đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa.
Anh Lê Tiến Thăng, một người dân trong tổ 12 phấn khơi nói, được tỉnh quan tâm cải tạo, nâng cấp di tích, nơi đây trở thành điểm đến giáo dục lý tưởng cách mạng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Con cái anh đều học đại học, giờ trưởng thành, có việc làm ổn định. Anh rất tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, anh luôn tâm niệm phải vươn lên làm giàu chính đáng để xứng đáng với niềm tự hào ấy.
Với sự trân trọng lịch sử và có nhiều giải pháp trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di tích cách mạng đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang không ngừng ra sức lao động, học tập và phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Từ đó cùng nhau chung sức xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết