"Chìa khóa" để doanh nghiệp phát triển bền vững

- Chuyển đổi số đang dần trở thành xu hướng để vận hành cỗ máy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải không ít những khó khăn, thách thức.

Trong thời gian qua, việc chuyển đổi số đã dần trở thành một yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp và được xem là “chìa khóa” để vận hành doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số không chỉ để ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc chuyển đổi số đã được quan tâm thực hiện đã mang lại những giá trị mới. Tuy nhiên cùng với những kết quả đạt được thì việc triển khai chuyển đổi số còn gặp không ít những khó khăn do hạn chế về mặt nhận thức, giới hạn vấn đề an ninh mạng, bảo mật thông tin, khó khăn trong thay đổi văn hóa doanh nghiệp, chưa có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng; hạn chế về kỹ thuật, công nghệ số...

Chuyển đổi số tại Nhà máy thủy điện Sông Lô 8B (Yên Sơn) góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số muốn thực hiện hiệu quả phải bắt nguồn từ mỗi cá nhân, mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp, trong đó con người vẫn là trung tâm của chuyển đổi số. Ông Trần Quốc Tuấn, Quản lý Nhà máy thủy điện Sông Lô 8B (Yên Sơn) cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, sản xuất tại nhà máy là yêu cầu bắt buộc.

Chuyển đổi số sẽ giúp hoạt động điều hành, sản xuất ổn định, tuy nhiên một trong những khó khăn hiện nay chính là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao. Vừa qua, những công nhân kỹ thuật sau khi được tuyển dụng làm việc tại nhà máy đều phải đi đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc tại các bộ phận của nhà máy. Cùng với đó các kiến thức mới về chuyển đổi số cũng được cập nhật thông qua các lớp tập huấn do công ty và ngành điện tổ chức nhằm thực hiện chiến lược phát triển về lâu dài.

Công ty cổ phần Chè Tân Trào (Sơn Dương) đặt mục tiêu năm 2023 sẽ xuất khẩu hơn 1.000 tấn chè, tuy nhiên do tình hình thế giới có nhiều biến động nên mục tiêu trên rất khó để thực hiện được. Trong thời gian qua, công ty đã nỗ lực trong việc đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty cũng quan tâm đến việc chuyển đổi số, song việc triển khai thực hiện chưa được nhiều nội dung.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, chuyển đổi số tại doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn do nguồn lực đầu tư có hạn, hiện chưa lắp đặt được nhiều các thiết bị máy móc mới, các phương thức giao dịch, liên hệ vẫn sử dụng qua hình thức truyền thống như email,  zalo chứ chưa có phần mềm, ứng dụng quản lý, điều hành riêng biệt. Xác định chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc nên trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, có thể bắt tay từ những cái nhỏ rồi khi có nguồn lực có thể đầu tư lớn hơn mang lại lợi ích cao hơn.

Chuyển đổi số trong doanh nhiệp nếu thực hiện tốt sẽ tạo đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển do các quy trình sản xuất, quản lý doanh nghiệp được đơn giản hóa, số hóa một cách hiệu quả giúp tiết kiệm được chi phí, nhân công và thời gian. Tuy nhiên việc chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...

Phòng điều hành sản xuất tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại toàn tỉnh có trên 2.300 doanh nghiệp, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có gần 500 hội viên, về quy mô, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, phải nói là khó khăn nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng của hậu Covid-19 và tình hình biến động trên thế giới tác động đến nước ta.

Do vậy trước tiên các doanh nghiệp phải vực dậy được thì mới có nguồn lực để đầu tư chuyển đổi số. Cũng theo ông Thập, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và việc chuyển đổi số có thực hiện thành công hay không trước tiên phải bắt đầu từ suy nghĩ, nhận thức của mỗi doanh nghiệp. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 hiện nay là một lợi thế rất lớn cho tất cả các doanh nghiệp. Nhưng đồng thời cũng là những thách thức rất lớn đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân phải đổi mới tư duy, có chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng thị trường.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn trong chuyển đổi số vì quy mô nhỏ, nguồn lực khó khăn, kiến thức chuyển đổi số chưa được triển khai đồng bộ... Do vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp như tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tham quan kết nối giữa các doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh trong nước với doanh nghiệp của tỉnh, tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm doanh nghiệp cùng lĩnh vực, triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải... Từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định hơn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 83/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang... phấn đấu năm 2023 tỉnh xếp hạng trong top 35 của cả nước về chuyển đổi số.

Để thực hiện mục tiêu này, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc chuyển đổi số sẽ tạo động lực để phát triển hơn, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, từ đó có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển và hội nhập của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục