Ảnh minh họa.
Cập nhật thông tin mới nhất, nhiều tổ chức dự báo kinh tế trong và ngoài nước cùng đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2022 có để đạt hơn 7-7,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao trong khi lạm phát được kiềm chế khoảng dưới 4% theo đúng mục tiêu đề ra.
Động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của kinh tế Việt Nam chính là nền tảng vĩ mô được duy trì ổn định bất chấp tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19 cũng như xung đột giữa Nga-Ukraine. Điều này thể hiện qua các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm ổn định trong điều kiện khó khăn; lạm phát được kiểm soát; đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; vấn đề môi trường được coi trọng; vai trò, vị trí, uy tín của đất nước ngày càng được củng cố, tăng cường...
Thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau những biến động đó. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.
Theo các chuyên gia, việc củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô hiện nay không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá mà còn ở việc tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.
Do đó, những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong thời gian tới để tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, giữ vững thành quả tăng trưởng là phải tháo gỡ cho được các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm triển khai và đưa các dự án, công trình vào vận hành, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội.
Nâng cao sức chống chịu của thị trường tài chính, tiền tệ; có các giải pháp phục hồi thị trường lao động, việc làm; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội để bảo vệ người lao động trước các cú sốc; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và triển khai có hiệu quả hơn nữa Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP 2022 của Chính phủ.
Ổn định kinh tế vĩ mô vừa là một nội dung quan trọng, vừa là điều kiện thúc đẩy cho công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam, đó cũng chính là "chìa khóa" để phục hồi, phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Gửi phản hồi
In bài viết