Thận trọng bài toán điều hành tỷ giá

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm. Điều này đang tác động mạnh mẽ kinh tế thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát có xu thế tăng cao và ngân hàng trung ương các nước liên tục nâng lãi suất đã khiến tỷ giá biến động mạnh.

 

Sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu tại Công ty TNHH Junma Phú Thọ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Đến nay, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Ổn định giá trị VND

Sáng 22/9 (theo giờ Hà Nội), FED đã công bố thêm một đợt tăng lãi suất mạnh nhằm hạ nhiệt lạm phát. Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản của FED được điều chỉnh tăng thêm 0,75 điểm phần trăm, dao động trong biên độ từ 3,0% đến 3,25%. Sau quyết định của FED, tỷ giá trung tâm USD/VND sáng 22/9 cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tại mức 23.316 đồng, tăng 15 đồng so với phiên hôm trước. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần đã tăng vượt ngưỡng 24.000 VND/USD. Trong khi đó, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên giá mua-bán USD, với giá bán ra là 23.700 VND/USD; giá mua vào tạm để trống. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá đồng USD cũng được điều chỉnh tăng nhẹ so với phiên trước đó.

Việc đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỷ giá ở nhiều quốc gia, khu vực. Tuy nhiên đối với Việt Nam, theo nhận định từ giới chuyên gia, nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng VND vẫn tương đối ổn định. Cụ thể, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang dẫn số liệu cho thấy, đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 là 113 lượt tăng). Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Đến sáng ngày 20/9, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD gồm: TWD (-13,5%); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%).

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó tạo được niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Công ty cổ phần Tiross Việt Nam Nguyễn Đăng Hoan cho biết, VND ổn định sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh được chắc chắn hơn. Bởi khi tỷ giá biến động sẽ khiến doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để nhập hàng về, dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Với việc nhập khẩu khoảng 3,5 triệu USD đồ gia dụng mỗi năm, cũng theo đại diện Công ty Tiross, dù giá USD ở thị trường quốc tế tăng khá mạnh, nhưng việc tỷ giá USD/VND ở Việt Nam tương đối ổn định, nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nhập khẩu của công ty.

Trong khi những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi nếu đồng USD lên giá, thì ở mặt tích cực hơn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại được hưởng lợi. Theo Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Junma Phú Thọ Cù Đức Hoàng Tài, công ty này sử dụng nguyên liệu trong nước, chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Mỹ. Do đó, tỷ giá tăng lại khiến công ty hưởng lợi lớn.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

Việc FED cũng như các nước tăng lãi suất đã làm ảnh hưởng tới nhiều nước. Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, cho nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU,… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền,… của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc chủ động nắm bắt tình hình, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. “Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài”, Thủ tướng nêu rõ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình. Cũng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là kiểm soát lạm phát, đồng thời bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản cho thị trường tiền tệ và ngoại hối. Do vậy, các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ vững lập trường kiên định điều hành chính sách giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ. “Trong mấy tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mất nhiều công sức, sử dụng nhiều công cụ để giữ ổn định tỷ giá. Đơn cử, bên cạnh việc sử dụng công cụ tín phiếu, cơ quan này đã bán ngoại tệ để hút tiền về. Từ đó điều tiết lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp, tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá trước áp lực mạnh từ thị trường quốc tế. Việc giữ được tỷ giá ổn định góp phần rất quan trọng đến kiểm soát lạm phát. Vì nếu để tỷ giá tăng chắc chắn làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng và sẽ tác động lớn đến lạm phát”, Tiến sĩ Nghĩa phân tích.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện chính sách như vừa qua đã làm, đó là điều hành linh hoạt và chủ động. Ngoài ra, phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm vừa kiểm soát tốt câu chuyện về tỷ giá, cũng như kiểm soát tốt câu chuyện về lạm phát.

Nhận định về biến động tỷ giá cả năm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết: Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỷ giá trở lại ổn định như đã làm trong hai quý gần đây. Nhưng để chủ động ứng phó với tỷ giá, ông Nghĩa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục