Theo GS,TS, BS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, chủ đề hội nghị khẳng định vai trò của y học tái tạo và tế bào gốc trong việc khai phá những giới hạn mới của nền y học.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh trước đây chưa có phương pháp điều trị nhưng với việc ứng dụng liệu pháp tế bào, bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện tình trạng bệnh.
Với các chia sẻ giá trị từ các chuyên gia đầu ngành về y học tái tạo trên toàn thế giới, chúng tôi tin rằng hội nghị sẽ trở thành nơi thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những trao đổi chuyên môn về tế bào gốc, tế bào miễn dịch; từ đó góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho y học tái tạo tại Việt Nam và thế giới.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp, công nghệ tiên tiến đang được phát triển trên thế giới dành cho liệu pháp tế bào và y học tái tạo đã được báo cáo, chia sẻ, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao khi được ứng dụng ở Việt Nam. Các liệu pháp đó đang được ứng dụng điều trị các bệnh tự miễn, các bệnh lý thần kinh, bệnh hô hấp, cơ xương khớp, tim mạch; ứng dụng của thể tiết tế bào trong y sinh học.
Nổi bật nhất là hai báo cáo mang tính đột phá là: “Công nghệ ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh viêm tủy thị thần kinh” của GS,TS Richard K Burt, Giảng viên Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) và “Ứng dụng của tế bào gốc vạn năng (iPSC) điều trị bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS)” của GS,TS,BS Hideyuki Okano, Chủ nhiệm Khoa Sinh lý học Trường đại học Y khoa Keio (Nhật Bản). Đây là những thành tựu có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng dụng liệu pháp tế bào vào điều trị những bệnh lý phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đề quan trọng, mang tính ứng dụng thực tiễn cao trong trị liệu tế bào cũng được chia sẻ, trao đổi như thần kinh, xương khớp nhằm mở ra hướng điều trị các bệnh thần kinh phổ biến vốn chưa có thuốc chữa như Parkinson và các ca bệnh khó liên quan đến tủy sống. Các chuyên gia trình bày kết quả mới nhất trong điều trị thực tiễn các lĩnh vực xương khớp, đột quỵ, chấn thương sọ não, xơ gan, loạn sản phế quản phổi bằng liệu pháp tế bào thông qua những công trình nghiên cứu đã và đang triển khai trên thế giới.
Là đơn vị chủ trì tổ chức, Vinmec cũng đóng góp nhiều báo cáo dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng pha 1 và pha 2 do đội ngũ chuyên gia, bác sĩ của Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec kết hợp Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào thực hiện trong thời gian vừa qua. Các báo cáo của Vinmec có tính tiên phong trong việc giải quyết thực trạng về các bệnh lý có tỉ lệ mắc bệnh cao ở Việt Nam dựa trên đặc thù về nhân chủng học.
Không chỉ trao đổi kiến thức thông qua các hội nghị, Vinmec cũng sẽ cử cán bộ sang học tập, đào tạo tại các cơ sở nghiên cứu quốc tế về liệu pháp tế bào và có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng các công nghệ mới trong thời gian tới.
Từ hội nghị đầu tiên (tổ chức năm 2017) với các báo cáo chủ yếu cung cấp cơ sở lý thuyết đến hội nghị lần thứ 5 này, y học thế giới nói chung và lĩnh vực trị liệu tế bào nói riêng đã có những bước tiến lớn, mở ra tiềm năng ứng dụng chất tiết tế bào vào nghiên cứu bên cạnh việc sản xuất tế bào gốc và biệt hóa tế bào gốc vạn năng thành các tế bào thần kinh.
Gửi phản hồi
In bài viết