Do khó khăn về kinh tế, để có tiền trả nợ cũ và đầu tư vào công việc kinh doanh khác, Thảo thường khoe thông tin công ty đang kinh doanh tour khách du lịch từ Tây Ban Nha về Việt Nam rất phát đạt. Mỗi đoàn khách đến Việt Nam, Công ty TNHH VA Travel được hưởng lợi nhuận 17-18% tổng số tiền dịch vụ du lịch/đoàn (gồm tiền đặt vé máy bay, chỗ nghỉ, du lịch…).
Thảo khoe, bản thân đã mua được nhà, xe ô tô và các tài sản giá trị từ việc kinh doanh tour du lịch này. Nếu các nhà đầu tư tham gia cùng sẽ được hưởng lợi nhuận khoảng 3,5%/đoàn.
Thảo nói, khách Tây Ban Nha đến Việt Nam sẽ ứng trước số tiền khoảng 30% bằng cách chuyển khoản và thanh toán hết trước khi đến Việt Nam 3 ngày nên không có rủi ro. Thảo nói rằng, do tiền từ Tây Ban Nha về Việt Nam mất 5 ngày, trong khi đó tiền đặt code vé máy bay cho các đoàn khách cần đặt ngay nên cần huy động vốn từ mọi người. Thảo còn nói, trung bình mỗi ngày, Công ty TNHH VA Travel có khoảng 30 đoàn (30 người/đoàn), số tiền đặt mua vé máy bay mỗi ngày rất lớn (hơn 500 triệu đồng/đoàn).
Khoảng tháng 11-2017, Thảo cung cấp danh sách khách tour du lịch và sao kê ngân hàng cho V.T.T (sinh năm 1984, em họ Thảo), làm cùng công ty này. Chị T xem thấy lượng tiền lớn, ngày nào cũng vay cả tỷ đồng nên đã tham gia đầu tư. Chị T sau đó nói chuyện với bạn học là chị V.T.P (ở tỉnh Ninh Bình) và anh M.B.Q (ở tỉnh Bắc Ninh) về tình hình kinh doanh của Công ty TNHH VA Traver. Do tin tưởng, chị P và anh Q đã đồng ý đầu tư.
Ngày 25-11-2018 và 26-12-2018, chị P ký 2 hợp đồng kinh doanh với Thảo. Ngày 1-2-2019, anh Q cũng ký hợp đồng hợp tác với Thảo. Theo hợp đồng, Thảo sẽ gửi danh sách khách Tây Ban Nha cho anh Q và chị P 2-3 đoàn khách/ngày để đặt vé máy bay tại Công ty TNHH Du lịch Vĩnh Xuân do Đinh Thị Thu Hiền làm Giám đốc.
Chị P, anh Q sẽ gửi danh sách cho Hiền để nhận báo giá. Sau khi đặt vé xong, Hiền sẽ gửi lại code vé máy cho chị P và anh Q, tiền lợi nhuận là 3,5% số tiền đặt vé máy bay.
Với thủ đoạn trên, từ ngày 6-12-2018 đến ngày 4-1-2019, Thảo gửi danh sách giả mạo các đoàn khách du lịch không có thật để chị T gửi cho chị P qua email. Chị P gửi email này cho Hiền để đặt code vé máy bay. Hiền chuyển lại code vé, kèm theo số tiền phải thanh toán. Sau đó, chị P và anh Q thanh toán tiền code vé máy bay. Đối với code vé này, nếu quá thời hạn 4 giờ kể từ khi đặt mà khách hàng không thanh toán tiền, hệ thống sẽ tự động hủy, code vé không còn giá trị sử dụng.
Hiền và Thảo đã thỏa thuận với nhau, sau khi nhận tiền, Hiền hủy vé, không thanh toán tiền vé mà giữ lại 5% giá trị tiền vé, còn lại chuyển khoản cho Thảo để kinh doanh bất động sản.
Từ ngày 5-1-2019, lo sợ bị phát hiện, Hiền không nhận tiền đặt code vé máy bay cho Thảo. Lúc này, Thảo vẫn tiếp tục gửi danh sách tour và giá tiền vé máy bay cho anh Q, chị P thanh toán.
Từ tháng 12-2018 đến ngày 22-3-2019, Thảo đã nhận tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng của anh Q, chị P. Thảo đã chuyển trả lại 2 người này hơn 95,3 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Còn Hiền đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền, Hiền bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Cơ quan điều tra xác định, chị T tin tưởng Thảo, không biết danh sách Thảo cung cấp là giả mạo nên không có căn cứ để xử lý T. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Thị Thảo 19 năm tù và Đinh Thị Thu Hiền 8 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Gửi phản hồi
In bài viết