Bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm đặc trưng của địa phương và được bảo hộ nhãn hiệu tập thể năm 2017. Nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” được giao cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc quản lý và sản xuất. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trên 120 nghìn cặp bánh. Năm 2020, sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt 4 sao.
Các sản phẩm OCOP của huyện Chiêm Hóa tham gia trưng bày, giới thiệu
tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang tháng 1 vừa qua.
Chị Phương Thị Minh Hằng, tổ Vĩnh Thiện, thành viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết, để duy trì và phát triển thương hiệu, các thành viên hợp tác xã đặc biệt quan tâm đến chất lượng bánh gai. Vì vậy, nguyên liệu làm bánh phải là gạo nếp ngon, đỗ xanh mới, lá chuối phơi nắng khô giòn, cơ sở chế biến luôn vệ sinh sạch sẽ.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc Hoàng Thị Thảo cho biết, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, năm 2020, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 6 tỉnh, thành phía Bắc. Năm 2021, hợp tác xã phấn đấu nâng sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đạt tiêu chuẩn từ 4 sao lên 5 sao. Hiện, hợp tác xã đang tiến hành rà soát, đánh giá cơ sở sản xuất của một số hộ dân tham gia sản xuất bánh gai ở các tổ dân phố để phát triển thêm thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu sớm đạt 5 sao.
Chè Pà Thẻn xã Linh Phú cũng là 1 trong những sản phẩm nông nghiệp được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt 3 sao. Trước đây, cây chè được một số người dân tộc Pà Thẻn, xã Linh Phú trồng quanh nhà để phục vụ nhu cầu gia đình, không có giá trị hàng hóa. Năm 2017, xã phát triển cây chè trở thành cây trồng chủ lực, mang giá trị hàng hóa, nhân dân mới bắt đầu quan tâm trồng và chăm sóc chè. Hiện nay, người dân trồng chè trên địa bàn xã đều tham gia Hợp tác xã Chè Pà Thẻn. Hiện, hợp tác xã có 53 thành viên, với tổng diện tích hơn 20 ha chè, mỗi năm xuất bán hơn 5 tấn chè khô. Những năm trước, giá chè khô thường được xuất bán 120 - 150 nghìn đồng/kg nhưng từ khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, giá chè đã được nâng lên 200 nghìn đồng/kg. Ông Lương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc HTX Chè Pà Thẻn Linh Phú, xã Linh Phú chia sẻ, được công nhận sản phẩm OCOP là bước ngoặt để chè Pà Thèn Linh Phú vươn xa. Minh chứng rõ nét nhất là ngay sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, giá chè đã được nâng lên 5 giá, người dân rất phấn khởi khi sống được bằng nghề chè.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện đã xác định đúng cây trồng chủ lực, đặc trưng của từng vùng để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, từ đó khuyến khích, tư vấn, hướng dẫn các xã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị nông sản.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chiêm Hóa có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 5 sao. Trong đó, duy trì, phát triển có hiệu quả 14 sản phẩm OCOP năm 2020 đã được công nhận 3 sao trở lên; xây dựng thêm 19 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; phấn đấu có 3 - 4 sản phẩm OCOP nâng hạng đạt 3 sao lên 4 sao và có từ 2 - 3 sản phẩm nâng hạng 4 sao lên 5 sao. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, cơ sở hạ tầng, đảm bảo chuẩn hóa các tiêu chí sản phẩm OCOP và hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đã được công nhận, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết