Chiêm Hóa quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản

- Từng được coi là điểm nóng của hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thời gian qua, UBND huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương của huyện tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm quản lý tốt tài nguyên.

Là huyện có tiềm năng khoáng sản như: Ăngtimon ở các xã Ngọc Hội, Hòa Phú, Phú Bình, Yên Lập; cát, sỏi ở các xã dọc sông Gâm như: Trung Hòa, thị trấn Vĩnh Lộc, Ngọc Hội, Vinh Quang; đá vôi tại các xã Tân An, Phúc Sơn, Tân Thịnh, Trung Hà... huyện Chiêm Hóa còn có vàng sa khoáng tại các xã Phú Bình, Yên Lập, Ngọc Hội, Tân Mỹ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 4 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, gồm: Công ty cổ phần thương mại Lục Phát khai thác cát, sỏi tại một số xã, thị trấn; Hợp tác xã thủ công nghiệp Sửu Hùng khai thác cát trên địa bàn xã Trung Hòa, doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng Tuyên Quang khai thác đá tại xã Tân Thịnh, Công ty TNHH Xây dựng, thương mại vận tải Đồng Tâm khai thác đá vôi tại xã Trung Hòa.

Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng Tuyên Quang tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) tuân thủ chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản.

Đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa cho biết, công tác quản lý hoạt động quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn được huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo. UBND huyện tích cực phối hợp với sở, ngành liên quan trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thăm dò cấp phép, gia hạn giấy phép, đóng cửa mỏ, kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện phục hồi môi trường... đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND huyện cũng đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu của các ngành, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử lý. Trong năm 2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra, kiểm soát, phát hiện 14 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, thu nộp ngân sách Nhà nước 840 triệu đồng.

Trước đây, tại xã Yên Lập diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực thôn Cốc Táy. Đồng chí Hà Xuân Nguyên, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết, xã đã tuyên truyền người dân không tham gia khai thác vàng sa khoáng trái phép, 100% các hộ dân ký cam kết không khai thác vàng trái phép, không chứa chấp, hoặc tiếp tay cho các đối tượng ở nơi khác đến khai thác; kịp thời tố giác các hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển và tập kết khoáng sản trái phép. Đến nay, trên địa bàn xã không còn diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng, nếu phát hiện hành vi khai thác trái phép, xã sẽ báo cáo cấp trên tổ chức ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng Tuyên Quang được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại thôn Phúc An, xã Tân Thịnh với diện tích hơn 14 ha, quy mô khai thác 90.000 m3/năm. Anh Bùi Thanh Tuân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng Tuyên Quang, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, cùng với việc khai thác khoáng sản theo nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động, đơn vị luôn đặt mục tiêu hàng đầu là sản xuất phải đảm bảo bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động. Ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp khai thác đến đâu phải phục hồi môi trường đến đó theo quy định.

Để hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, UBND huyện Chiêm Hóa đã thành lập và duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành, kiểm soát quản lý tài nguyên khoáng sản tại các địa phương có khoáng sản nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.

 Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, UBND huyện sẽ tích cực chỉ đạo tổ công tác liên ngành, cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn tiếp tục thiết lập và duy trì thông tin hai chiều giữa người dân với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Từ đó kịp thời nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản trái phép, chủ động ngăn chặn và có phương án giải tỏa ngay từ khi manh nha; xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đồng thời kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, nghiên cứu cấp phép đối với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ nhu cầu xây dựng, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục