Xây dựng ngành công nghiệp phát triển xanh, bền vững - Bài cuối: Những “cú huých” thúc đẩy công nghiệp phát triển

- Nhằm tạo bước tiến mới cho công nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương gắn với tình hình thực tiễn của địa phương khi triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... nhờ đó đã tạo động lực mạnh mẽ để công nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Bài 1: Loại bỏ các cơ sở công nghiệp ô nhiễm môi trường

Bài 2: Hình thành các vùng công nghiệp

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 29 đã xác định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và thu nhập... là yêu cầu hàng đầu. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 80%, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%, tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%; cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%, ngành dịch vụ chiếm 40,8%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,2%... Đây là những mục tiêu khó đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, trong bất cứ lĩnh vực nào thì con người là yếu tố then chốt, quyết định. Đối với phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân, kỹ sư... phải là những người có tay nghề, nắm vững kỹ thuật thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới trơn tru và mang lại hiệu quả. Ông Vi Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Honda Linh Lực cho biết, khi tuyển dụng bao giờ công ty cũng đánh giá về chất lượng của học viên, sinh viên có đáp ứng được theo vị trí công việc hay không.

Cùng với đó, do đặc thù làm việc tại công ty có những quy chuẩn riêng nên khi được tuyển dụng vào làm việc công ty sẽ tiếp tục cử đi đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc và chiến lược phát triển của công ty. Rất mừng là trong thời gian gần đây, hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực đang từng bước được nâng lên. Hiện nay gần 100% cán bộ, công nhân đang làm việc tại công ty là người Tuyên Quang và đã từng học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh.

Lao động làm việc tại Nhà máy của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 ở Khu công nghiệp Long Bình An.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề, tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo nghề nghiệp. Trong đó chủ lực là trường Đại học Tân Trào, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang và hệ thống Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, trường đại học trong cả nước để đào tạo đa dạng về ngành nghề, tạo nhiều lựa chọn cho học viên và cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đa dạng các ngành kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn vừa qua, cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì việc đầu tư hạ tầng xây dựng, thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp của tỉnh, tạo nên tốc độ tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Long Bình An và Khu công nghiệp Sơn Nam) với tổng diện tích 320 ha thu hút 20 dự án công nghiệp với vốn đăng ký đầu tư 5.600 tỷ đồng và 6 cụm công nghiệp tại các huyện với tổng diện tích 375 ha thu hút được 23 dự án với số vốn đăng ký đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng... Các chính sách thu hút đầu tư đã tạo được niềm tin của doanh nghiệp, số dự án đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng.

Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Future of Sound Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, từ khi bắt đầu đầu tư tại Tuyên Quang ông đã nhận thấy nơi đây có tiềm năng phát triển công nghiệp bởi hạ tầng giao thông ngày càng thuận tiện, kết nối liên vùng. Trong thời gian qua, công ty đã được tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, từ việc hỗ trợ pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng, tạo nguồn lao động dồi dào... nhờ đó giúp công ty hoạt động ổn định và ngày càng phát triển hơn. Từ khi đi vào hoạt động năm 2019 đến nay, công ty đã tạo việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Năm 2023, Tuyên Quang tiếp tục đón nhận nhiều tin vui khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được điều chỉnh từ 2 làn nâng lên thành 4 làn xe và tăng tổng mức đầu tư lên hơn 3.750 tỷ đồng; khởi công dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang; nhiều dự án quan trọng về xây dựng đường, cầu và quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tiếp tục triển khai càng tạo đà cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Niềm vui của người lao động

Từ các giải pháp tạo động lực phát triển công nghiệp, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn, dự án lớn đầu tư vào tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm, giúp tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Vợ chồng chị Trần Thị Phương ở phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện nay cả 2 vợ chồng đều làm việc tại các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Long Bình An với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Có thu nhập ổn định đã giúp gia đình chị sửa sang được nhà cửa, nuôi các con ăn học đầy đủ. Chị nhận thấy, có càng nhiều doanh nghiệp tới đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới không giống như trước kia người lao động phải đi xa mới kiếm được việc làm.

Khi vào làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp bắt buộc người lao động phải thực hiện tác phong công nghiệp. Qua quá trình làm việc người lao động cũng sẽ được học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Anh Nguyễn Hữu Tấn nhà ở xã Kháng Nhật làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh thuộc cụm công nghiệp xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, thực tế trước kia anh làm nông nghiệp cầm cái cuốc, cái cày thì dễ chứ không nghĩ rằng một ngày mình lại làm chủ được những máy móc hiện đại. Mình cố gắng vừa làm vừa học để  thu nhập ổn định, làm một tháng có thể bằng cả vụ lúa.

Việc thu hút đầu tư, mở rộng các khu, cụm công nghiệp đã tạo sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu lao động tại các địa phương trong tỉnh. Ở nhiều nơi, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ cao từ 70 đến trên 90% như: Phúc Ứng, Sơn Nam (Sơn Dương), Thắng Quân (Yên Sơn), Tân Thành (Hàm Yên)...

Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp thì tư tưởng của người dân ngày càng thay đổi. Ngoài phát triển nông nghiệp đơn thuần thì nhiều gia đình đã định hướng cho các con đi học nghề, đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và trong nước cũng như xuất khẩu lao động. Nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ngày càng giảm đáng kể.  

Số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, thu nhập của người dân được cải thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục