Sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mới, nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã vươn ra thế giới phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, sản xuất công nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế, nhất là gây ô nhiễm môi trường. Vì mục tiêu phát triển xanh, bền vững, việc di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp ra xa khu dân cư và có lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm là việc phải làm.
Có lộ trình di chuyển, hạn chế cơ sở sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường như khói, bụi, tiếng ồn… Do đó, việc vừa sản xuất công nghiệp hiệu quả, vừa đảm bảo môi trường là vấn đề đặt ra đối với các cấp ngành quản lý Nhà nước, chủ doanh nghiệp.
Hệ thống bể lắng của Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà được tái sản xuất cặn.
Khu vực phường Tân Hà, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) nhiều người dân có ý kiến về môi trường do bụi mịn, tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ngọc, tổ 3, phường Tân Hà cho biết: “Việc phát triển sản xuất công nghiệp người dân đồng tình. Tuy nhiên, bố trí gần khu dân cư thế này thì ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chúng tôi ở sát khu sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà, cách một quãng sông là Nhà máy Xi măng Tân Quang nên không chỉ bụi, tiếng ồn từ sản xuất mà còn nhiều xe trọng tải lớn đi lại, hỏng đường, nguy hiểm. Vì thế, tôi cũng như người dân sống tại khu vực này mong muốn tỉnh có phương án di chuyển các cơ sở sản xuất này xa khu dân cư, đảm bảo không gian đô thị sạch, đẹp”.
Cùng quan điểm với bà Ngọc, ông Ninh Xuân Thủy, xóm 5, xã Tràng Đà cho rằng, sản xuất công nghiệp là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nhưng phải hài hòa lợi ích kinh tế với môi trường. Hiện nay, khu vực xã Tràng Đà có đến 2 nhà máy xi măng, cách nhau có khoảng 2 km, 1 nhà máy gạch. Đó là sự bất hợp lý, lượng khói bụi, tiếng ồn xả ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Vì thế việc di chuyển những cơ sở công nghiệp, đặc biệt là sản xuất xi măng ra khỏi khu vực dân cư, khu vực đô thị là phù hợp với sự phát triển và mong muốn của người dân.
Xác định môi trường là yếu tố quan trọng để phát triển, năm 2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 17 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Thực hiện quyết định này, nhiều biện pháp bảo vệ môi trường đã được triển khai, đặc biệt đã khoanh định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường để tăng cường kiểm tra, giám sát, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và thực hiện di chuyển 7 nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi địa bàn TP Tuyên Quang đến địa điểm mới, khu, cụm công nghiệp tập trung, gồm: Nhà máy Đường Tuyên Quang, Nhà máy Giấy Tuyên Quang, Bệnh viện Phổi Tuyên Quang, Nhà máy nghiền bột barite Hòa An, Nhà máy sản xuất bột kẽm Tràng Đà, Cơ sở chế biến lâm sản phường Minh Xuân, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc ra khỏi khu vực dân cư.
Ông Nguyễn Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến nay đã có 5/7 cơ sở thực hiện di chuyển, còn hai đơn vị là Nhà máy Giấy Tuyên Quang, Nhà máy nghiền bột barite Hòa An chưa di chuyển được do chưa bố trí, lựa chọn được mặt bằng đáp ứng yêu cầu khoảng cách về an toàn vệ sinh môi trường. Sở đang quyết liệt đôn đốc thực hiện di chuyển đối với Nhà máy Giấy Tuyên Quang vì còn sản xuất. Nhà máy nghiền bột barite Hòa An đã dừng sản xuất.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Nhận định về tầm quan trọng của môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa VIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhấn mạnh, khuyến khích nâng cấp, chuyển đổi công nghệ mới để tăng năng suất. Đồng thời, có lộ trình hạn chế, tiến tới dừng hoạt động các cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường; xây dựng lộ trình cụ thể để di dời các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ra ngoài khu đô thị, khu tập trung đông dân, trước mắt thực hiện ở khu vực TP Tuyên Quang và khu vực lân cận. Đây có thể xem là vấn đề mới, khó lần đầu tiên được cụ thể hóa tại một văn bản, thể hiện quyết tâm của tỉnh phát triển xanh, bền vững.
Nhà máy Xi măng Tân Quang nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Nhà máy Xi măng Tân Quang, Nhà máy Xi măng Tuyên Quang nếu áp dụng theo Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì đều vào diện phải di chuyển. Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang nhấn mạnh, ông đồng tình với chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về việc đưa cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư, khu vực đô thị. Tuy nhiên, cần có quy hoạch hợp lý, lộ trình thực hiện. Để giảm thiểu tác động đến môi trường, công ty đang nỗ lực hết sức không xả thải ra môi trường, thay đổi mới cách quản lý, khoán từng bộ phận. Bộ phận nào để sự cố thoát khói bụi ra môi trường sẽ thực hiện cắt giảm lương người chịu trách nhiệm. Công ty cầu thị tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người dân để tổ chức khắc phục chứ không đổ lỗi cho sự cố. Công ty đã bố trí 30 tỷ đồng chuyển đổi hệ thống lọc bụi từ tĩnh điện sang lọc bụi túi vải. Vì lọc bụi tĩnh điện không phát huy hiệu quả khi nhóm lò quay hoặc sụt giảm điện. Tuy nhiên, công nghệ này trong nước chưa làm được mà thực hiện đấu thầu quốc tế rất phức tạp. Nhưng đây là việc công ty phải làm để đủ điều kiện về môi trường phát triển sản xuất.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Trung, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà cho rằng, chủ trương này là đúng vì phát triển theo quy hoạch là cơ hội phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cấp quản lý cần có tầm nhìn quy hoạch, có phương án giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện việc di chuyển. Hiện để đảm bảo sản xuất ít tác động đến môi trường, công ty đã triển khai các biện pháp giảm thiểu như làm rào tôn xốp bịt riêng khu sản xuất, tưới nước, vệ sinh đường trong bán kính 500m, nước xả ra môi trường được qua hệ thống 5 bể lắng và cặn lắng được tái sản xuất.
Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường cho biết, sở đang nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định lộ trình thực hiện khoảng cách an toàn về môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ kho tàng phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư được quy định tại Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh có chất dễ cháy nổ; chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, thiết bị bức xạ; chất độc hại đối với người và sinh vật; có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước... phải di chuyển ra khỏi khu dân cư và khu vực đô thị, được theo dõi, quản lý chặt chẽ. Đồng thời, tích cực phát hiện vi phạm sẽ dừng sản xuất.
Tuy nhiên, sở đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá phù hợp đối với công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất kinh doanh, kho tàng theo khoản 2, Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì việc tham mưu cho tỉnh mới hiệu quả và đúng pháp luật.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Tuyên Quang là thu hút đầu tư, nhưng không bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội của người dân lấy phát triển kinh tế. Nhà đầu tư vi phạm cam kết về môi trường sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm phát triển xanh, bền vững theo đúng Quy hoạch tỉnh cũng như chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết