Đồng chí Nguyễn Minh Phú, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, là địa phương có tiềm năng lớn về nguồn lao động, hằng năm huyện Chiêm Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả tạo việc làm cho người lao động.
Đầu năm 2020, sau khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa mở lớp dạy về kỹ thuật trồng rau an toàn, chị Nông Thị Tuyết thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên đã chủ động tham gia cải tạo 2.000 mét vuông đất của gia đình để trồng đậu Hà Lan, cà chua, bắp cải theo hướng rau an toàn. Chị Tuyết cho biết, trước đây gia đình cũng trồng rau nhưng đa số là tự phát, chăm sóc không đúng quy trình nên năm được, năm không, giá bán cũng bấp bênh. Từ ngày tham gia lớp học về trồng rau sạch chị cảm thấy việc trồng rau dễ dàng hơn trước, chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh. Mà giá bán cũng được cao hơn so với rau đại trà khoảng 1,5 lần. Mỗi vụ rau chị đều có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Tổ hợp tác Mây tre đan xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Tổ hợp tác Mây tre đan xã Hùng Mỹ có 11 thành viên là hội viên phụ nữ. Sau khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa tổ chức lớp học mây tre đan có mời nghệ nhân Trần Văn Quỳnh ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) về dạy cho các chị em, sau khi thành thục kỹ năng các chị em được UBND xã Hùng Mỹ đứng ra thành lập Tổ hợp tác. Hiện nay Tổ hợp tác đã cho ra thị trường các sản phẩm như: nón lá Tày, quạt, túi sách... Mỗi sản phẩm có giá bán từ 80.000 - 200.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước, mặc dù là nghề phụ nhưng đã đem lại cho những gia đình khoản thu nhập đáng kể 5 triệu đồng/người/tháng. Tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình, đây cũng là một hướng phát triển kinh tế mới có triển vọng cho nhiều lao động tại địa phương.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa luôn chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học nghề, phát phiếu cho nhân dân chủ động đăng ký với địa phương tham gia lớp đào tạo theo nhu cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp tổ chức được 11 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ nghề cho gần 485 học viên. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng cây lương thực thực phẩm, cây ăn quả; kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt và kỹ thuật máy nông nghiệp, nghề hướng dẫn viên du lịch… Để đảm bảo hiệu quả sau đào tạo, Trung tâm chỉ tổ chức dạy nghề cho những học viên xác định được việc làm và thu nhập có được sau học nghề. Việc đào tạo nghề được thực hiện tại địa phương, cơ sở với phương châm vừa học lý thuyết vừa thực hành, cầm tay chỉ việc nhưng chỉ dạy ở nơi học viên học xong có việc làm phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với chủ trương đó, trong những năm qua gần 90% học viên của Trung tâm sau học nghề đều gắn và tạo được việc làm, đặc biệt đối với học viên học nghề lĩnh vực nông nghiệp gần như 100% lao động gắn và tạo được việc làm. Ngoài những lớp nghề nông nghiệp, hiện Trung tâm cũng mở nhiều lớp đào tạo các nghề liên quan đến kỹ thuật nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch... theo nhu cầu thực tế tại địa phương. Sau khi học nghề đã có nhiều học viên tổ chức được các mô hình, điểm du lịch ngay tại địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Chiêm Hóa đã đào tạo được khoảng 60 lớp nghề cho 2.500 lao động, tỷ lệ lao động có việc sau học nghề đạt trên 80%. Nhờ học nghề mà hiện nhiều học viên đã từng bước nâng cao trình độ, tay nghề của người dân nông thôn để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết