Về phía ta: Trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhằm đập tan thế phòng ngự của địch, ngày 21-4-1954, các đơn vị của ta đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, mở rộng trận địa xuyên qua hàng rào dây thép gai ở vị trí cuối cùng phía Tây sân bay và đánh sập một số lô cốt bảo vệ các cứ điểm.
Để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt vị trí cuối cùng ở phía Tây và đánh chiếm sân bay Mường Thanh, triệt hẳn tiếp tế và tiếp viện của địch, lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 quyết tâm cùng động viên các đơn vị tham gia đào hào chia cắt sân bay địch hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch.
Quân ta khẩn trương xây dựng trận địa ngày càng tiến sát gần địch, có nơi chỉ cách hàng rào cứ điểm chừng 10m. Các điểm cao phía Đông ta chiếm được, nhất là Đồi D1, đã trở thành cứ điểm phòng ngự mạnh để đánh địch phản kích và cũng là trận địa xuất phát tiến công của ta. Hỏa lực súng cối và sơn pháo của ta trên các điểm cao này luôn uy hiếp quân địch ngày đêm.
Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN
Về địa hình, quân ta đã khống chế hầu hết những điểm cao phía Đông, khống chế tất cả các điểm cao phía Bắc cánh đồng Mường Thanh và phát triển trận địa tiến công vào sát sân bay, thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp tế và tiếp viện của địch, cắt đứt đường tiếp viện giữa Mường Thanh và Hồng Cúm. Phạm vi chiếm đóng và không phận của chúng cũng bị thu hẹp rất nhiều.
Dưới tác động của những thắng lợi quân sự, công tác binh vận của nhân dân đồng bằng đã đạt được hiệu quả rất lớn góp phần làm tan rã hàng chục nghìn lính ngụy. Điển hình là Hà Nam trong tháng 4 tỉnh ủy đã phát động một đợt tiến công chính trị vào hàng ngũ địch. Có ngày hàng nghìn đồng bào đã kéo vào đồn bốt, doanh trại giặc, kêu gọi người thân trở về. Kết quả của cuộc tiến công binh vận này, chỉ riêng ở Hà Nam đã có tới hơn 4.000 binh lính địch bỏ ngũ trở về với gia đình và cách mạng. Nhiều người mang theo cả vũ khí.
Ở Hà Nội, trong khi chiến sự Điện Biên Phủ và Đồng bằng Bắc Bộ diễn ra ác liệt, Thành ủy chủ trương đẩy mạnh công tác binh vận phá rã hàng ngũ địch. Công tác này đã thu hút được mọi cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia. Được đồng bào tuyên truyền giác ngộ, nhiều đơn vị lính ngụy vừa đi càn ở đồng bằng về đã vin vào nhiều lý do khác nhau để thoái thác nhiệm vụ. Tiểu đoàn dù số 5 đóng ở Trường Bưởi và Tiểu đoàn dù số 7 ở Việt Nam học xá đã tan rã hoàn toàn. Ở Sân bay Bạch Mai, chỉ trong 5 ngày đã có tới 1.200 binh lính đào ngũ. Với những kết quả to lớn đó, công tác binh vận thực sự trở thành một mũi giáp tiến công lợi hại, gây nhiều khó khăn cho phía Pháp trong việc bổ sung lực lượng và ứng cứu cho mặt trận, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ.
Về phía địch: Chúng gặp phải những khó khăn rất lớn. Khoảng 5.000 tên địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, bốn tiểu đoàn và 9 đại đội địch bị tiêu diệt gọn. Số lính địch bị diệt chiếm khoảng một nửa tổng số lực lượng địch ở phân khu Bắc và Phân khu Trung tâm. Nếu kể cả lực lượng địch ở phân khu Nam (Hồng Cúm) thì chúng đã bị mất khoảng hai phần năm lực lượng.
Tuy nhiên địch vẫn tìm mọi cách để bổ sung lực lượng và vũ khí, trang bị để duy trì cuộc chiến đấu, cố giữ Điện Biên Phủ đến cùng. Lúc này, những trận mưa đầu mùa đã bắt đầu đổ xuống làm hầm hào của cả hai bên đều sũng nước. Navarre và bộ tham mưu của ông ta cho rằng nếu giữ được Điện Biên Phủ đến khoảng ngày 20-5-1954 là quân Pháp thắng lợi vì khi đó mưa lũ lớn sẽ làm cho ta không giải quyết nỗi vấn đề tiếp tế và nhất định phải lui quân, thực hiện ý đồ đó, lực lượng không quân Pháp ở Đông Dương cũng được huy động tối đa vào việc bảo đảm tiếp tế và đánh phá các trận địa, các đường vận chuyển của ta từ hậu phương lên Điện Biên Phủ. Lực lượng máy bay vận tải Pháp đã bị Navarre sử dụng vượt quá cả khả năng quy định kỹ thuật và làm cho Lauzin, Tư lệnh không quân Pháp ở Đông Dương phải than phiền một cách bực dọc: “Máy bay vận tải của quân Pháp đã từ 3.700 giờ bay trong tháng lên đến 7.000 giờ, còn việc tiếp tế thì đột nhiên tăng từ 4.000 tấn/tháng lên tới 10.000 tấn. Chỉ riêng trung tuần tháng 4 đã có 8 máy bay bị bắn rơi và 47 chiếc bị bắn hỏng”.
Xác chiếc máy bay B24 bị pháo phòng không của Trung đoàn 367 bắn rơi tại chỗ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Nhìn chung, sau hai đợt tiến công của quân ta, bọn tướng tá Pháp đã thấy nguy cơ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể bị tiêu diệt. Đứng trước nguy cơ đó, chẳng những Chính phủ Pháp bối rối mà Mỹ cũng rất lo ngại. Đi đôi với việc cung ứng cho Pháp những khoản viện trợ to lớn, Lầu Năm Góc đã đề ra một kế hoạch hành binh mang tên “Chim kền kền”, dự kiến sẽ sử dụng 80-90 máy bay B29 (loại máy bay chiến lược lớn nhất của Mỹ lúc bấy giờ) từ căn cứ Clack Field và được 150 máy bay chiến đấu của Hạm đội 7 hộ tống, đến ném bom "nghiền nát" các đơn vị của quân đội Việt Minh đang bao vây Điện Biên Phủ.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Gửi phản hồi
In bài viết