Ban Quản lý sẽ hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022, làm định hướng phát triển Khu trong thời gian tới. Đồng thời, Ban Quản lý cũng đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong tình hình mới, phù hợp với Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn
Tính đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư. Riêng năm 2021, thu hút được 6 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng.
Trong đó, đã thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam, với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu, như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng.
Đã có các dự án hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp các nước, như: Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) (35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc); dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc); dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam và dự án Đại học Việt Nhật (hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); dự án Đại học Việt - Pháp (hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp)…
Ngoài ra, có các các dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như: 2 dự án của Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mô-đun nhiệt hiệu năng cao, mô-tơ điện một chiều không chổi than (vốn đầu tư khoảng 375 triệu USD); Dự án của Tập đoàn Hanwha AeroSpaces (Hàn Quốc) sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp (vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD),…
Hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực công nghệ cao đã được chú trọng để có thể đào tạo và cung cấp các công nhân, kỹ thuật viên có trình độ tay nghề cao, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao cho khu và cả nước. Hiện tại, khu công nghệ cao có khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động đang làm việc. Khu đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học, trang thiết bị y tế; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ tự động hóa…
Nhiều sản phẩm công nghệ cao đã được sản xuất tại đây, như: 4G, 5G, rada cảnh giới biển, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh…
Khu công nghệ cao cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa, triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub”, phối hợp các đơn vị khác để đầu tư, xây dựng trang thiết bị phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật cần thiết hỗ trợ các nhóm ươm tạo phát triển công nghệ, sản phẩm theo hình thức hợp tác công-tư…
Đầu mối của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thời gian qua, khu phát triển chưa được như kỳ vọng, do nhiều nguyên nhân. Phần lớn doanh nghiệp có nhu cầu quy mô diện tích đầu tư lớn và tiến độ bàn giao đất khá nhanh, trong khi quỹ đất liền khoảnh với diện tích lớn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc không nhiều, nếu có thì bị vướng mặt bằng chưa được giải phóng và không thể xử lý nhanh được để đáp ứng ngay yêu cầu của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở. Tuy nhiên, theo quy hoạch, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được quy hoạch và phân chia các khu vực theo các chức năng cụ thể. Vì vậy, Ban Quản lý không thể đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Ngoài ra, các dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương hoặc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của nước ngoài đầu tư tại Khu triển khai chậm, chưa thực sự hiệu quả.
Ông Trần Đắc Trung cho biết, định hướng phát triển thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là theo mô hình mở, trở thành đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh.
Đến năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh. Theo đó, Khu sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ có nhiều khả năng thu hút nguồn lực nghiên cứu và phát triển. Tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế, do đây là các lĩnh vực Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực hiện nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.
Tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ và tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp đã đầu tư ổn định tại thị trường Việt Nam và ASEAN đầu tư mở rộng các hoạt động nghiên cứu để phát triển sản phẩm.
Đồng thời, thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Gửi phản hồi
In bài viết