Nhiệm vụ trọng tâm
Việc thực hiện chuyển đổi số được triển khai thực hiện bài bản, đồng bộ theo lộ trình với từng bước đi. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/06/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Tỉnh cũng đang xây dựng và hoàn thiện nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời ban hành các đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tỉnh đã kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh thành Ban Chỉ đạo Chuyển sổi số.
Đến nay, trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống dùng chung của tỉnh như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến, mạng truyền số liệu chuyên dùng… đã triển khai kết nối liên thông 4 cấp hành chính. Tỉnh đã cung cấp 278 dịch vụ công mức độ 3 và 597 dịch vụ công mức độ 4, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện dự án thành phần “Triển khai mở rộng hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Tuyên Quang đến cấp xã”, dự án “Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang tiến tới cuộc cách mạng 4.0 giai đoạn 2021 - 2022” và triển khai xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 2.0.
Mạng thông tin di động đã phủ sóng đến 99% các thôn, tổ dân phố, đồng thời phủ sóng 4G và truyền dẫn cáp quang đến 100% các xã, phường, thị trấn. Ước tính hiện nay, toàn tỉnh có trên 1 nghìn vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng BTS. Tất cả các trạm đã được trang bị thiết bị công nghệ 3G và trên 70% trong số đó đã lắp thiết bị công nghệ 4G. Toàn tỉnh đã có 99,9% số thôn, tổ dân phố được phủ sóng điện thoại di động.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn nhân dân lấy số thứ tự tự động để giải quyết thủ tục hành chính.
Công ty Điện lực Tuyên Quang là đơn vị luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, quản lý kỹ thuật vận hành. Nhờ đó thông tin khách hàng dần được chuẩn hóa, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt lên tới trên 55%. Công ty đã thực hiện cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%.
Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) từ nhiều năm qua đã coi việc ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng dạy và học. hiện nay, 100% giáo viên của nhà trường sử dụng sách mềm trong giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 1, 2. Công tác quản lý của nhà trường cũng có hiệu quả hơn nhờ ứng dụng chữ ký số và xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Việc ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Người dân là trung tâm
Chuyển đổi số thành công, vai trò của người dân được đề cao. Bởi chính người dân là chủ thể tương tác, chia sẻ, tạo ra các giá trị để thúc đẩy chuyển đổi số. Họ chính là những công dân số trong môi trường số. Bởi vậy người dân cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng để sử dụng công nghệ một cách thông minh, có văn hóa.
Ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn như Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình), đồng chí Triệu Văn Liều, Bí thư chi bộ đã tích cực tự học tập, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tận dụng thế mạnh của Internet, mạng xã hội vào công tác lãnh đạo của chi bộ. Anh Liều còn thường xuyên sử dụng zalo, facebook để thông báo cho chi bộ và nhân dân trong thôn nắm bắt thông tin, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) lâu nay đã sử dụng công nghệ thông tin, Internet để quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Vietgap của hợp tác xã ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua mạng xã hội và Internet, anh đã mở rộng nhiều địa chỉ tiếp thị, giới thiệu và phân phối sản phẩm chè của HTX đến với người tiêu dùng.
Bà Mạo Ngọc Cứu, tổ 5, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được hướng dẫn tận tình như lấy số thứ tự tự động, thực hiện khai thông tin để làm dịch vụ công trực tuyến, quét mã vạch… Bà cho biết, với một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, mỗi người dân cần được hướng dẫn và tự trang bị các kỹ năng sử dụng công nghệ để thích ứng với chuyển đổi số.
Xây dựng và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số mà mục tiêu là mỗi người dân đều có danh tính số kèm theo QR code, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng là mục tiêu mà dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết