Một tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ Hải quân Hoàng gia Anh ở Faslane (Scotland).
Theo thông báo, chính phủ sẽ hợp tác với các công ty hàng đầu trong ngành như BAE Systems, Rolls-Royce, EDF và Babcock để đầu tư ít nhất 763 triệu bảng từ nay đến năm 2030 vào đào tạo kỹ năng, tạo việc làm và giáo dục. Khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ biến thị trấn Barrow-in-Furness (phía Bắc nước Anh) thành một trung tâm đóng tàu ngầm hạt nhân của đảo quốc Sương mù.
Theo Thủ tướng Rishi Sunak, bảo vệ tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân là một nỗ lực quốc gia quan trọng; đồng thời nhấn mạnh việc phát triển lĩnh vực hạt nhân của nước Anh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi nguồn năng lượng này cung cấp nhiên liệu sạch hơn và có chi phí phải chăng, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp hơn.
Trước đó, khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Âu và người đứng đầu các chính phủ đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về năng lượng hạt nhân do cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức tại Brussels (Bỉ). Phát biểu với các phóng viên trước thềm hội nghị, Giám đốc cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân, chúng ta không có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu đúng thời hạn.
Theo ông Fatih Birol, năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng về mặt điện năng, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cần năng lượng hạt nhân, đặc biệt là những quốc gia không có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo.
Gửi phản hồi
In bài viết