Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình. (Ảnh: DUY LINH)
Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ
Phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách an sinh xã hội thực hiện thời gian qua đã được thể hiện rất cụ thể trong Báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian vừa qua với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Trong đó, các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm, thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội.
“Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng dẫn số liệu nêu rõ, đến nay, đã hỗ trợ 87 nghìn tỷ đồng cho hơn 56 triệu lượt người lao động, người dân và hơn 730 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Hằng năm, thông thường ngoài các chính sách thường xuyên thì chỉ hỗ trợ được khoảng 1 triệu người trong đột xuất, nhưng hơn 1 năm qua, chúng ta đã chi 87 nghìn tỷ đồng cho 56 triệu lượt người lao động, người dân và hơn 730 nghìn người sử dụng lao động. Đây là điều chưa từng có tiền lệ”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, thu hút người lao động quay trở lại và giúp người lao động yên tâm làm việc, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế để tạo nên kết quả ngày hôm nay.
Quang cảnh phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đã có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình, của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
“Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh và chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, nhìn chung về công tác bảo đảm an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức.
Cả nước hiện nay còn có 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 9,9% tổng số hộ gia đình theo tiêu chí mới. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, lưới an sinh bao phủ thấp, nhất là những vấn đề khó khăn liên quan nhà ở cho công nhân, các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người dân còn hạn chế, lao động có chứng chỉ bằng cấp thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.
Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, phát triển, với nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động, đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển nhà trường, các trung tâm chất lượng cao…, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế
Thảo luận tại hội trường, bên cạnh tán thành với báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu nêu rõ, hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.
Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục.
Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay. Trong đó, Quốc hội cho phép xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; Chính phủ giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa vượt tổng mức thanh toán.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần khẩn trương đôn đốc thực hiện giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực y tế theo Nghị quyết 30 và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: DUY LINH)
Cùng chung những lo lắng cho lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, trong đó cần tạo điều kiện để cơ sở y tế tự chủ về tài chính và nhân lực, cũng như giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
Về vấn đề còn những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cùng với nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức.
Gửi phản hồi
In bài viết