(ẢNH: EVN)
Theo tính toán giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD; trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo (NLTT) liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị NLTT, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Phát triển các nguồn điện từ NLTT và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000MW.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ NLTT đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ NLTT lên đến 67,5-71,5%.
Điện gió ngoài khơi. (ẢNH: EVN)
Trong đó, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000MW, trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì quy mô có thể tăng thêm. Định hướng đến năm 2050, đạt 70.000-91.500MW.
Đáng lưu ý, Quy hoạch VIII nhấn mạnh: Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp các loại hình NLTT khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,...) để sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000MW vào năm 2035 và khoảng 240.000MW vào năm 2050.
Kiểm tra vận hành lưới điện. (ẢNH: EVN)
Đối với việc phát triển điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền bắc,… Đối với 27 dự án điện mặt trời/tổng công suất 4.136,25 MW chưa giao chủ đầu tư, trước mắt chưa cho triển khai tiếp mà xem xét sau năm 2030.
Còn với các dự án điện mặt trời đã có quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể,… trên cơ sở dứt khoát không hợp thức hóa vi phạm, rà soát các tiêu chí bảo đảm an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, hạ tầng truyền tải và bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030; chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối/amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm và dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ hơn 40 năm.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất,…
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công thương và các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và các tập đoàn năng lượng Nhà nước như EVN, PVN, TKV trong việc tổ chức thực hiện. Bộ Công thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của quyết định,…
Gửi phản hồi
In bài viết