Bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc

- Chiều 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục các nội dung chương trình và bế mạc.

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (chủ trì tại điểm cầu Bình Dương); Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng về quan điểm, mục tiêu, định hướng  xây dựng và phát triển văn hóa; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Về quan điểm, chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tập trung vào các điểm cơ bản bao gồm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện từ gia đình đến cộng đồng dân cư. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Mục tiêu chung về chiến lược phát triển văn hóa của Đảng đề ra là phải xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu phát triển, chiến lược hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy.

Để triển khai hiệu quả mục tiêu, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật như: Điện ảnh, Di sản văn hóa, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mới các Luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Triển lãm… và hệ thống các văn bản dưới luật; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số... Ngoài ra, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 còn đề cập đến phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa, nghệ thuật; giải pháp tài chính….

Tại hội nghị đã có nhiều tham luận của đại biểu thể hiện tâm huyết về phát triển văn hóa được trình bày bàn về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng phải nhìn nhận văn hóa từ mọi khía cạnh của cuộc sống để thấy được sức mạnh nội sinh của văn hóa, từ đó có chính sách cơ chế phù hợp khơi dậy động lực của văn hóa đem lại nguồn lực vô biên từ sức mạnh văn hóa; các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá những nguyên nhân của sự xuống cấp của văn hóa và đề xuất các giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn; có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các loại hình nghệ thuật; tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa... Đại biểu đề xuất đẩy mạnh xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, đây là nền tảng để xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia. Các đại biểu cũng đã trình bày những quan điểm, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa...

Các đại biểu ở điểm cầu Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: Thu Hương

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị lần này với mục tiêu nhìn thẳng vào vấn đề về văn hóa để thống nhất chương trình, hành động để chấn hưng văn hóa. Đồng chí cho rằng trước hết cần phải tiếp tục thay đổi, nâng cao nhận thức về văn hóa đối với các cơ quan nhà nước đến mỗi người dân, phải lấy văn hóa là cái gốc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa không phải là thứ dễ định lượng, không dễ thấy, việc đánh giá kết quả làm được hay chưa được về văn hóa phải mất nhiều thời gian mới thấy được. Do vậy, việc triển khai các nhiệm vụ về văn hóa dễ dẫn đến tâm lý ỳ trệ đòi hỏi công tác văn hóa cần phải quyết liệt hơn. Chúng ta phải vượt qua được những tâm lý đó, khơi dậy động lực để vươn lên chống tụt hậu, hòa nhập với thế giới, phát triển văn hóa số; phải tạo được môi trường văn hóa để mỗi người dân phát huy được những thế mạnh để cống hiến sức mình... Đồng chí mong muốn sau hội nghị, tất cả người dân Việt Nam được truyền những cảm hứng, niềm tin vào những nội dung của hội nghị hôm nay, phát huy tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên xây dựng đất nước.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục