15h54: Phiên họp kết thúc. Ngày mai 11-12, kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp.
15h00: Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Dự thảo nghị quyết xác định 20 chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2023. Trong đó, một số chỉ tiêu tăng so với năm 2022 như: Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9%; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 10.793 tỷ đồng, tăng trên 4,6%. Nâng thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số, phấn đấu xếp thứ 35 của cả nước.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trồng mới 9.700 ha rừng tập trung. Duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu hút trên 2.500 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt 3.000 tỷ đồng. Số lao động được tạo việc làm 22.200 người. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm trên 3,5%. Tỷ lệ đô thị hóa 25,%. Hoàn thành xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn và thực hiện bê tông hoá 228,8 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng 62,68 km.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết cũng xác định 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tỉnh xác định tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, của Chính phủ, các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh; tập trung thực hiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, dược liệu; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư về: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử, cơ khí chế tạo... Chủ động chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để thực hiện khởi công Khu công nghiệp Nhữ Khê.
Đồng thời, hoàn thiện lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang; triển khai hiệu quả điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021- 2030. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững); Đề án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự thảo Nghị quyết cũng xác định thực hiện có hiệu quả các Đề án về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023 tại Sơn Dương. Đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai, bão, lũ gây ra; Đẩy mạnh tấn công, trấn áp, kiềm chế gia tăng tội phạm.
Lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của các Ban HĐND tỉnh.
Thảo luận dự thảo nghị quyết, đại biểu Vân Đình Thảo, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tốc độ tăng trưởng. Đồng chí cho biết, các ngành xác định khi đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, khởi công các dự án đô thị sẽ là điều kiện thuận lợi để hoàn thành được mục tiêu Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9%.
Đại biểu Vân Đình Thảo.
Đại biểu Hà Trung Kiên, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo nghị quyết. Về góc độ đại diện ngành Tài chính, đồng chí cho biết, ngành sẽ sớm tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về thu ngân sách để quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên 3.200 tỷ đồng năm 2023. Đồng chí đề nghị các huyện, thành phố cần bám sát, quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách ngay từ đầu năm để đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng cho nhân dân. Các nội dung vướng mắc cần phải được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Đại biểu Hà Trung Kiên.
Liên quan đến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị các cơ quan chuyên môn khi xây dựng dự thảo nghị quyết cần có sự so sánh với tốc độ tăng trưởng với các tỉnh lân cận. Đối với chỉ tiêu chuyển đổi số, cơ quan chuyên môn cần có sự quyết tâm cao để đạt mục tiêu nâng thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số, phấn đấu xếp thứ 35 của cả nước như mục tiêu đề ra năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
14h46: Nghị quyết Tạm phê duyệt tổng số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội của tỉnh năm 2023.
Các đại biểu dự họp.
Theo dự thảo, tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh 15.760 người; trong các tổ chức hội 33 người. Chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh 118 chỉ tiêu; trong các tổ chức hội 3 chỉ tiêu.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu rõ, do Ban Tổ chức Trung ương chưa giao biên chế năm 2023 cho tỉnh, nên Ban Pháp chế phối hợp UBND tỉnh vận dụng văn bản pháp luật phù hợp để tham mưu xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ việc bố trí giáo viên còn bất cập, vì vậy Ban kiến nghị UBND tỉnh cần bố trí, sắp xếp số lượng người làm việc đảm bảo phù hợp, kịp thời, hiệu quả sau khi nghị quyết được thông qua.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
14h35: Nghị quyết Tạm giao biên chế công chức, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh năm 2023.
Theo đó, số lượng biên chế công chức tạm giao năm 2023 là 1.747 biên chế, trong đó, cấp tỉnh 1.063 biên chế, cấp huyện 684 biên chế; Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 134 chỉ tiêu.
Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, so với năm 2022, số biên chế công chức tạm giao năm 2023 giảm 7 biên chế, tăng 2 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
14h25: Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ, kinh phí được chi hỗ trợ cho 12 nội dung gồm: tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; mua sắm, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã; phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn; xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung; các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; chi thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; chi thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện, thành phố; mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; hỗ trợ thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp.
Lãnh đạo Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
14h15: Nghị quyết Quy định về tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang trình bày dự thảo nghị quyết.
Theo đó, quy định tỷ lệ tối thiểu số dự án trong tổng số dự án đầu tư xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thực hiện trên địa bàn huyện cụ thể: huyện Lâm Bình 7%, Na Hang 15%, Chiêm Hóa, 12%, Hàm Yên 16%, Yên Sơn 15%, Sơn Dương 13%.
Đại biểu dự phiên họp.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
14h00: Nghị quyết Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo dự thảo, nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
100% đại biểu nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết.
Các đồng chí đại biểu dự phiên họp.
Gửi phản hồi
In bài viết