Thảo luận tại hội trường: Hiến kế, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Video không hợp lệ
- Sáng 9-12, Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Dự phiên họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu các ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND điều hành phiên thảo luận tại Kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa điều hành phiên họp.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với các báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các mục tiêu giải pháp thực hiện năm 2023. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Dưng, Tổ đại biểu Hàm Yên bày tỏ vui mừng khi tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm. Đặc biệt tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của tỉnh. Đồng chí nêu tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Ngoài ra, quản lý quy hoạch các khu dân cư phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Nhiều khu đô thị đã hình thành nhưng hạ tầng đi kèm theo quy hoạch chưa được xây dựng. Cùng với đó, việc sử dụng đất ở các khu đô thị còn không đúng mục đích, nhiều nơi sử dụng đất ở để vào các mục đích sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, giá đất ở hiện nay còn khá cao so với mức sống của người dân hiện nay. Đại biểu  mong muốn, tỉnh sớm có đánh giá, xem xét bổ sung vào các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ năm 2023.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời ý kiến thảo luận của đại biểu. Ảnh: Thanh Phúc

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, Tổ đại biểu huyện Na Hang – Lâm Bình nhấn mạnh: Từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã nỗ lực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 2.398 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (2.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn so với kế hoạch năm 2022 mới đạt 52,2%, hiện còn trên 2.200 tỷ đồng chưa giải ngân. Điều này cho thấy nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến hết năm còn rất nặng nề. Do vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, sớm đưa các dự án vào hoạt động, góp phần tăng thu ngân sách, đề nghị các ngành đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giảm thiểu chuyển nguồn sang năm sau.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu huyện Sơn Dương thẳng thắn đề cập đến việc cải thiện thứ bậc chuyển đổi số. Đây là chỉ tiêu duy nhất trong kết quả năm 2022 không đạt theo kế hoạch. Đại biểu bày tỏ, về tổng thể, kết quả chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được trong năm 2022 còn khiêm tốn, số lượng công việc phải làm của năm 2023 rất lớn. Trong khi nhận thức về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế; nguồn nhân lực có kỹ thuật về công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cơ quan còn lúng túng trong việc xác định bài toán chuyển đổi số... Đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện thứ bậc về chuyển đổi số.

Đại biểu Nguyễn Văn Dưng, Tổ đại biểu HĐND huyện Hàm Yên phát biểu ý kiến. Ảnh: Thanh Phúc

Liên quan đến những bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhuận quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Hồng Trang, Tổ đại biểu Yên Sơn nêu việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Ninh Thái đề xuất ngành Tài nguyên môi trường cần phải sớm gỡ nút thắt trong việc giải quyết các thủ tục về đất đai.

Đại biếu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

Cũng liên quan đến lĩnh vực đất đai, Đại biểu Hứa Thị Hà nêu vấn đề quản lý sử dụng đất công ích trên địa bàn đã được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên đến nay cũng phát sinh nhiều bất cập liên quan đến các quy định không còn phù hợp. Một số nơi, người dân đã trả lại đất công ích.

Ngoài ra ở một số địa phương, đất công ích là những khu đất xấu, khó canh tác. Cùng với đó, nhiều diện tích đất công ích manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, tỉnh cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc đấu giá đất công ích. Ngoài ra, việc đấu giá đất công ích cần thực hiện đối với những thửa đất lớn, thực hiện các dự án quan trọng, với những thửa đất công ích có diện tích nhỏ chỉ cần đấu thầu để các hộ dân có thể thuận lợi tham gia.

Đại biểu Sầm Văn Dinh, Tổ đại biệu HĐND huyện Hàm Yên phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Các đại biểu cũng dành thời gian để tham gia ý kiến nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, ý tế nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa; việc giải quyết việc làm cho người lao đông. Đồng thời đề nghị HĐND tỉnh xem xét một số vấn đề được cư tri quan tâm như: cơ chế đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân; công tác hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện các kết cấu hạ tầng đột phá và giải quyết những vấn đề bất cập trong phát triển đô thị…

Các đại biểu cũng thảo luận đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; công tác phòng, chống dịch bệnh; thúc đẩy công tác đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; công tác quản lý biên chế và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh...

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương theo trách nhiệm quản lý, nghiêm túc tiếp thu để có giải pháp tích cực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, góp phần thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022.

Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Cùng với đó giám sát việc thực hiện các kết luận tại phiên họp, các ý kiến trả lời, lời hứa tại kỳ họp, các kiến nghị qua giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh.


Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang

Đầu tư xây dựng thành phố Tuyên Quang đẹp hơn nữa

Quảng trường Nguyễn Tất Thành vừa được bình chọn và trao giải thưởng “Phong cảnh Thành phố châu Á năm 2022”. Vì vậy cần phải đầu tư thành phố Tuyên Quang đẹp hơn nữa để quảng bá Tuyên Quang với Quốc tế.
Hiện nay, thành phố Tuyên Quang đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TU ngày 22/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2021– 2025. Thành phố Tuyên Quang đã được quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng, bước đầu đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn, nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Một số dự án đã được phê duyệt nhưng tiến độ triển khai chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu. Thành phố Tuyên Quang là đô thị trung tâm của tỉnh, trong những năm tới cần được tiếp tục đầu tư chỉnh trang đô thị như: Quy hoạch, nâng cấp, cải tạo, làm mới các công trình giao thông, đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I. Cùng với đó, cần có cơ chế phù hợp, điều chỉnh số lượng, định mức kinh phí được sử dụng từ nguồn thu sử dụng đất để thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng.


Đại biểu Tăng Thị Dương, Tổ đại biểu HĐND huyện Sơn Dương

Phải có giải pháp căn cơ về chuyển đổi số

Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh uỷ đã ban hành 2 Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 6 Quyết định, 16 kế hoạch làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Có thể nói, về cơ sở pháp lý là cơ bản đầy đủ, bây giờ quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được của năm 2022 còn rất khiêm tốn, số lượng công việc cần phải làm trong năm 2023 còn toàn việc lớn.

Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong thời gian tới các cấp, các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng đến người dân và doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, phụ trách chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị nhất là cấp xã và các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Đồng thời phải có giải pháp căn cơ, bài bản, xác định được nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm phải làm...


Đại biểu Vũ Quang Thắng, Tổ đại biểu HĐND huyện Yên Sơn

Kiên quyết quản lý biên chế chặt chẽ, đúng quy định

Công tác quản lý biên chế hiện nay đang được các địa phương, cơ quan đơn vị và các vị đại biểu và dư luận hết sức quan tâm. Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn trường hợp hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ không đúng quy định; còn tình trạng bố trí, sắp xếp giáo viên mất cân đối giữa các môn học, các đơn vị trường học của từng cấp học và tỷ lệ giáo viên/lớp.

Để đảm bảo việc quản lý biên chế chặt chẽ, đúng quy định, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong năm 2023 phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý, sử dụng biên chế; tinh giản biên chế và hợp đồng lao động theo quy định, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị bố trí biên chế không đảm bảo tiêu chí thành lập, giải quyết dứt điểm tình trạng hợp đồng lao động không đúng quy định và trình trạng mất cần đối, thừa thiếu cục bộ giáo viên.


Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Đến nay toàn tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2022 thêm 8 xã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục được nâng cao lên. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế-văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Số lượng chỉ tiêu tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn trước.

Về tiêu chí xã NTM nâng cao cũng được bổ sung và điều chỉnh, trong đó bổ sung thêm 34 tiêu chí mới, điều chỉnh 6 chỉ tiêu để phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngoài ra, đối với các xã đã về đích nông thôn mới có thể bị thu hồi quyết định khi không đảm bảo các tiêu chí. Do đó, các địa phương cần phải quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải pháp quan trọng  để thực hiện, đó là thực hiện các trình mực tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục