Củng cố niềm tin yêu của nhân dân

- Học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”, cấp ủy chi bộ tổ dân phố Nông Trường, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng lòng tin của nhân dân bằng sự tận tụy phục vụ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Dân chủ - chìa khóa vạn năng

Năm 2014, Trưởng thôn Nông Trường, xã Thắng Quân mắc phải sai phạm khi không công khai, minh bạch được tài chính với nhân dân về công trình làm đường bê tông nông thôn. Do đó, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nhữ Thị Thu  được Đảng cử, dân bầu đảm nhiệm Trưởng thôn mới.

Mặc dù được dân bầu nhưng bà vẫn bị hoài nghi, xét nét khi triển khai những công việc chung của thôn. Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, bà luôn đặt thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lên hàng đầu.

Tuyến đường xanh, sạch, sáng của tổ dân phố Nông Trường, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).

Vừa đảm nhiệm Trưởng thôn, cũng là thời điểm UBND xã triển khai làm tuyến đường bê tông dài trên 443 m, bà cùng các chi ủy viên, thành viên của Ban Giám sát tính toán cặn kẽ số lượng nguyên vật liệu: cát, sỏi, xi măng làm đường, ước tính giá trị tuyến đường và vận động nhân dân đóng góp.

Nhà nước hỗ trợ 84 tấn xi măng, chia thành 2 điểm tập kết ngoài trời. “Có một lần mưa bão bất ngờ trong đêm, vợ chồng tôi đi đào rãnh thoát nước nhưng không kịp. Sau kiểm đếm có 4 tạ xi măng bị “chết”, tôi và đồng chí Công an viên (phụ trách trông coi điểm tập kết) bỏ tiền túi mua lại 4 tạ xi để bù lại cho dân”. - Bà Thu nhớ lại. Quá trình làm đường, bà Thu và Ban Giám sát ngày ngày đều có mặt giám sát chất lượng công trình. Tuyến đường hoàn thành với trị giá 70 triệu đồng do nhân dân đóng góp, thôn họp công khai, minh bạch trước dân. Tất cả các con số thu, chi đều “khớp” với nhau, lòng tin của nhân dân vào Trưởng thôn, cán bộ thôn mới bắt đầu “nhen nhóm” trở lại.

Thôn có trên 102 hộ dân, 364 nhân khẩu. Thời điểm đó, nhu cầu bức thiết đối với thôn là xây dựng được nhà văn hóa thôn trong khi quỹ đất không có. Cấp ủy chi bộ thống nhất xin lại đất của Công ty cổ phần Chè Sông Lô. Trên đất có nhà xưởng, nhà kho đã xuống cấp, không sử dụng đến và được công ty định giá 140 triệu đồng. Khi bà Thu nêu vấn đề đi xin đất, nhiều người gàn “Bà buồn cười thật! Nhà - tài sản của người ta, bà lại đi xin, sao mà làm được”. Nhưng, bà cùng cấp ủy chi bộ đã làm được.

4 năm ròng rã đi xin chủ trương, chi ủy cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp của xã, huyện vận động công ty “nhường” đất cho thôn; trực tiếp Trưởng thôn Nhữ Thị Thu miệt mài làm thủ tục hành chính qua các cấp, sở, ngành. Năm 2019, thôn chính thức hoàn thành thủ tục bàn giao đất. Năm 2020, nhà văn hóa thôn Nông Trường được hoàn thành trị  giá 257 triệu đồng với diện tích gần 200 m2, 1 nhà kho, 2 nhà vệ sinh; 2 sân chơi thể thao khoảng 300 m2 từ trên chính phần đất mà nhiều người đã từng cười khi bà có ý định đi xin ngày nào. 

Bí thư Chi bộ Nguyễn Đức Thìn bày tỏ, từ thực tiễn của chi bộ, chúng tôi càng thấm thía về vai trò của dân chủ. Đó là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. Để làm tốt, ngay từ trong nội bộ phải đoàn kết nội bộ. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Cốt lõi để chi bộ và cán bộ thôn làm tốt “dân chủ nội bộ”; phối hợp ăn ý, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo và điều hành, đó là luôn luôn đặt và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân lên trên hết. Từ năm 2016 đến nay, chi bộ liên tục đạt trong sạch, vững mạnh.

“Nhìn tướng, biết quân”

Đến tổ dân phố Nông Trường giờ là tuyến đường bê tông trải dài, sạch sẽ; 2 bên đường, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát, tuyến đường hoa khoe sắc trong nắng. Từ khi xây dựng nông thôn mới rồi lên đô thị, ý thức của người dân được nâng lên, diện mạo của tổ dân phố văn minh hơn, xanh, sạch, đẹp hơn. Đó là thành quả của sức dân, đồng thuận của dân với Đảng. Để dân tin yêu, tự nguyện góp sức người, sức của thực hiện các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là sự nhẫn nại, nêu gương, làm gương của các đồng chí chi ủy, đảng viên, cán bộ tổ dân phố Nông Trường.

Chi hội phụ nữ tổ dân phố Nông Trường vận động hội viên thu gom rác thải nhựa gây quỹ.

Những năm qua, chung sức xây dựng nông thôn mới, cán bộ tổ dân phố xắn tay làm giúp dân nhiều phần việc. Trước thực trạng, nhiều hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không làm rãnh, hố thoát nước dẫn đến ngập úng, ảnh hưởng chất lượng đường mỗi khi trời mưa, Chi ủy bàn bạc, thống nhất trích tiền chi thường xuyên, thuê máy múc đào hố, rãnh thoát nước và mua nguyên vật liệu; 100% cán bộ, đảng viên trong chi bộ đóng góp công sức để xây dựng. Thấy cán bộ, đảng viên “miệng nói, tay làm”, nhiều hộ dân tự giác mua ống cống, chung sức với cán bộ làm hố, rãnh thoát nước.

Chị Phạm Thị Tâm, Chi hội trưởng phụ nữ giãi bày: “Mặc dù chưa phải là đảng viên nhưng nhìn vào những gương đảng viên như anh Thìn, chị Thu luôn say mê, tận tụy với công việc phục vụ nhân dân một cách chí công vô tư, chúng tôi tự nhận rõ trách nhiệm, chung lưng đấu cật với chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo”.

Người dân vẫn còn vứt rác bừa bãi, công ty môi trường đưa giá 30 nghìn đồng/hộ/tháng để thu gom rác. Nghĩ cho dân, chị Tâm tự nguyện thu gom rác thải tại từng hộ dân với mức phí 5 nghìn đồng/hộ/tháng. Những ngày đầu, chị đi bộ hàng km thu gom rác, đôi chân như chùn xuống, người đau rã rời. Thương vợ vất vả, anh Ngô Quang Phúc - chồng chị Tâm đã cải tiến thêm bộ phận cho xe rác để buộc sau xe máy. Gần 1 năm trời, nắng hay mưa, giá lạnh hay nóng nực, anh đồng hành với vợ thu gom, chở rác đến điểm tập kết trên tuyến Quốc lộ 2C. Nhờ đóng góp của vợ chồng chị Tâm, sau một năm, nhận thức, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường được nâng lên. Tháng 4-2021, công ty đô thị ký hợp đồng với tổ dân phố thu gom rác thải cho nhân dân, mức giá 10 nghìn đồng/hộ/tháng.  

Năm 2021, xã Thắng Quân trở thành thị trấn Yên Sơn, nhiều diện tích bị thu hồi để xây dựng các công trình trên địa bàn. So sánh giữa giá đền bù của Nhà nước và giá thị trường, ban đầu, nhiều hộ dân trăn trở, chần chừ. Hộ gia đình ông Hoàng Quốc Trưởng, Chi ủy viên là một trong những người tiên phong trong bàn giao đất thu hồi. Ông cho biết, gia đình ông bị thu hồi gần 4.300 m2 đất, được đền bù theo giá Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Trong khi, theo giá thị trường từ 6 - 7 tỷ đồng. Nếu mình chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không làm gương, tiên phong thực hiện, người dân không thể nghe và làm theo. Hiện nay, tổ dân phố thu hồi khoảng trên 40 ha diện tích và cơ bản hoàn thành theo tiến độ. 100% hộ dân đồng lòng, không có ý kiến, kiến nghị.

Tổ trưởng Tổ dân phố Nhữ Thị Thu chia sẻ, 7 năm qua, điều tâm đắc nhất là cùng chi ủy xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tâm với công việc. 14 đảng viên cùng chung một ý chí, thống nhất từ tư tưởng đến hành động “Việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh”.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục