Không thể bỏ qua

- Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có việc từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Có thể nói đây là nội dung rất quan trọng, như một sự đổi mới tư duy của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng; nhất là sau khi có những vụ án ở các công ty, tập đoàn lớn vừa qua.

Tham nhũng khu vực ngoài nhà nước là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. 

Dư luận từ lâu đã không lạ các khái niệm “sân sau”, “rửa tiền” - ám chỉ thực tế một số doanh nghiệp tư nhân có liên quan mật thiết đến những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Đã có những cán bộ, đảng viên vướng vòng lao lý, tổ chức mất cán bộ vì những việc làm này.

Tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước; làm chậm sự phát triển của cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng không thể bỏ qua khu vực ngoài nhà nước. Nhân dân phấn khởi khi Đảng tăng cường và đổi mới tư duy về công tác phòng chống tham nhũng. Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này chính là để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.                                                          

 Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục