Phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong giảm nghèo bền vững

- Xóa đói giảm nghèo là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc. Phát huy vai trò lãnh đạo, các tổ chức Đảng, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, từ đó khơi dậy phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Phát huy vai trò của tổ chức Đảng

Công tác giảm nghèo được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xác định là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, nhất là đối với các huyện, xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Công tác giảm nghèo cũng đã được đưa vào nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, đề án giảm nghèo, gắn phân công tổ chức đảng, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo. Nhiều đảng bộ, chi bộ lấy kết quả thực hiện giảm nghèo là tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Điều đó cho thấy, một chi, đảng bộ vững mạnh không chỉ xây dựng tập thể đoàn kết, cộng sự cao, lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mà còn phải biết chăm lo việc dân, chăm lo bữa ăn, nhà ở cho dân. Để đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi đó đặt ra cho các cấp ủy và đảng viên những trăn trở và hành động rất cụ thể.

Thực tiễn ở huyện Na Hang, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện đạt từ 3 - 4%/năm. Theo đó, huyện đã xây dựng kế hoạch với các biện pháp, lộ trình thực hiện cụ thể. Ban Thường vụ Huyện ủy giao các ban, ngành, cơ quan, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện đăng ký hỗ trợ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản, xã, trong đó có nội dung giảm nghèo; đăng ký giúp đỡ xã nghèo, bản nghèo, hộ nghèo bằng những việc làm cụ thể; phát huy vai trò đảng viên, người uy tín trong vận động, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo...

Cán bộ, đảng viên chi bộ thôn Đống Đa 1, xã Thượng Nông (Na Hang) kiểm tra tình hình sản xuất lúa nếp đặc sản của thôn.

Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Na Hang cho biết, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, MTTQ và các đoàn thể, các đảng bộ cấp xã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế để nhân dân làm theo; gắn với nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức huyện và xã trong việc xây dựng các mô hình hiệu quả. Huyện ủy cũng đã phân công các đảng bộ, chi bộ cơ quan trực thuộc giúp đỡ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; hàng tháng tổ chức cho cán bộ, đảng viên xuống các thôn, bản giúp đỡ các hộ nghèo xóa nhà tạm, xây dựng công trình vệ sinh, làm đường, lắp đặt, khơi thông kênh mương... Trên cơ sở đó, từng tổ chức Đảng xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể những công việc giúp đỡ sát với nhu cầu địa phương và đúng khả năng của đơn vị.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo hiện nay ở các cấp không chung chung mà gắn với việc làm, địa chỉ cụ thể. Đồng chí Triệu Tiến Minh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, Xuân Lập là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh 75,8%.  BCH Đảng bộ xã ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng vật nuôi, giảm nghèo bền vững. Theo đó, Đảng ủy xã phân công từng đồng chí cán bộ, công chức xã phụ trách các thôn; chỉ đạo các chi bộ thôn bám sát Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết riêng để triển khai thực hiện. Trong thực hiện, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc thực hiện các mô hình kinh tế để nhân dân làm theo.

Các chi bộ đã vận động nhân dân thực hiện nhiều mô hình kinh tế mới như trồng lúa đặc sản, nuôi trâu nhốt chuồng, nuôi dê, cá chép ruộng, nuôi dúi... Cán bộ, đảng viên là những người đi đầu thực hiện để nhân dân làm theo. Điển hình như: đảng viên Sùng Seo Hầu, Giàng Thanh Chính, thôn Khuổi Củng nuôi trâu nhốt chuồng, nuôi lợn đen, dê; Lò Văn Ly, Chúc Đình Biên, thôn Lũng Giềng với mô hình nuôi dúi, lợn đen... Đặc biệt trong năm nay, xã đặt mục tiêu xóa 51 nhà dột nát cho hộ nghèo. Ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ, Đảng bộ xã cùng các chi bộ thôn phải tập trung huy động các nguồn xã hội hóa, huy động nhân dân tham gia đóng góp ngày công. Trên cơ sở các giải pháp giảm nghèo, xã phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo trở lên.

Đảng viên nêu gương

Đảng lãnh đạo bằng chủ trương và thông qua sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Và trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ giảm nghèo của Đảng, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc. 

Với cương vị là Bí thư Chi bộ, đồng chí Đặng Văn Dấu, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) luôn trăn trở tìm hướng để giúp bà con trong thôn vươn lên thoát nghèo. Đồng chí đã đi đầu trong thôn trong việc đẩy mạnh phát triển cây chè shan tuyết, đây là loại cây thế mạnh của thôn. Đồng chí Dấu hiện còn là Giám đốc HTX chè shan tuyết Sơn Trang. Nhờ sự tâm huyết của Bí thư chi bộ Đặng Văn Dấu, đến nay toàn thôn đã có gần 40 ha diện tích đất trồng chè. Với giá thu mua từ 20 - 60 nghìn đồng/kg chè búp tươi (tùy loại), trung bình mỗi hộ cũng có thêm khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm, đây là cây giúp bà con trong thôn thoát nghèo hiệu quả. Đồng chí Dấu cho biết, các đảng viên đều là những người đi đầu trong thực hiện các mô hình kinh tế như phát triển mô hình chè, thực hiện các mô hình kinh tế mới như trồng nấm hương, trồng tre lấy măng... Điển hình trồng nấm hương có gia đình đảng viên Triệu Văn Chang, Triệu Tiến Nhất, Hoàng Thồng Kiên. Chi bộ cũng phân công 2 đảng viên phụ trách giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo, kết quả này là tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm.

Không chỉ ở Phia Chang mà ở hầu hết các chi bộ khác vai trò đi đầu trong phát triển kinh tế tạo động lực cho nhân dân thấy được hiệu quả để làm theo. Gia đình chị Bàn Thị Sinh thuộc diện hộ nghèo của thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn). Trước đây chị Sinh không bao giờ dám nghĩ đến vay tiền ngân hàng vì sợ lãi mẹ đẻ lãi con. Nhưng được Bí thư Chi bộ Bàn Văn Lâm tính toán và động viên chị đã mạnh dạn vay vốn để nuôi 2 con trâu, giờ gia đình chị đã có thêm 4 con trâu, cùng với các nguồn thu khác, gia đình chị Sinh đã thoát nghèo. 

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 -2025 tại thời điểm đầu năm 2022 toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85%. Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 37,32% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm tỷ lệ 81,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục