Những ngày tháng Chạp, trời rét căm căm, nhưng mọi người nô nức đổ về chợ xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Chợ mỗi tuần chỉ họp 1 phiên vào thứ 7 nên người dân trong xã ai cũng háo hức. 7 giờ sáng đã tấp nập người mua kẻ bán. Những thiếu nữ Mông xúng xính trong trang phục truyền thống sặc sỡ là nét đặc trưng của chợ phiên Hùng Lợi. Gian hàng bán quần áo là điểm nhấn ở chợ bởi tràn ngập sắc màu thổ cẩm của trang phục Dao, Mông, Tày...
Ông Lù Seo Vềnh, thôn Đồng Trang, xã Hùng Lợi là một trong những tiểu thương bán hàng lâu năm tại chợ Hùng Lợi. Ông Vềnh chia sẻ, chợ ngày cuối năm đông hơn ngày thường, lượng tiêu thụ hàng hóa nhiều, do vậy gia đình đã chủ động nhập thêm hàng quần áo, trang phục các dân tộc về bày bán tại chợ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Đi chợ Hùng Lợi ta như thấy hồn cốt dân tộc trong mỗi bộ trang phục truyền thống, cách bà con giao tiếp với nhau, mời nhau mua con cá đồng, mua vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như rổ rá, dao, dựa, cày, cuốc...
Trang phục của các dân tộc được bày bán tại chợ phiên vùng cao huyện Lâm Bình.
Đi chợ phiên vùng cao, người ta không chỉ mua hàng mà còn là nơi để gặp gỡ, trò chuyện, làm quen nhau nữa. Chợ xã Tri Phú (Chiêm Hóa) mới đi vào hoạt động từ 14-11-2020 nhưng tiểu thương, người dân các xã lân cận tấp nập đổ về mỗi phiên chợ. Các chị rộn ràng trang phục truyền thống mang nông sản đến chợ bán, tạo nên nét văn hóa độc đáo. Chợ mới đi vào hoạt động nhưng đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống người dân, từ kim, chỉ, hàng hóa nông sản, vật dụng thiết yếu đến đồ gia dụng từ miền xuôi cũng được các lái buôn bán tại chợ... Anh Ma Văn Thập, tiểu thương tại Bắc Cạn cho biết, anh mang các sản phẩm như dao, kéo, cuốc, xẻng, miến dong do gia đình tự làm đến chợ bán. Chợ những ngày cuối năm tấp nập người mua hàng, mới nửa buổi chợ nhưng miến dong đã “cháy” hàng.
Bà Lý Thị Tồng, thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú bảo: “Vui lắm, từ khi xã có chợ gia đình tôi tăng gia sản xuất, trồng thêm vườn rau, nuôi thêm con lợn, con gà mang đến chợ bán kiếm thêm thu nhập. Có chợ tại xã rồi, người dân thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, Tết này xôm hơn”.
Chợ xã Hồng Quang (Lâm Bình) được đặt ngay trung tâm xã, bên tuyến Quốc lộ 279. Chợ được đầu tư xây dựng bán kiên cố từ năm 2013. Chợ xã Hồng Quang phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân đến từ các xã Minh Quang, Trung Hà của huyện Chiêm Hóa; xã Liên Hiệp, xã Bằng Hành của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang... Người dân đến họp chợ không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn là đi chơi chợ. Có khi người ta kéo nhau vào hàng quán, ăn với nhau miếng quà bánh, uống với nhau chén rượu. Chợ chỉ họp 1 phiên trong tuần nên bà con háo hức lắm.
Chợ phiên có ý nghĩa quan trọng đối với những xã vùng cao, là nơi tiêu thụ hàng hóa; kích thích kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. Do đó, từ năm 2015 đến nay UBND huyện Chiêm Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã, thị trấn. Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức với hình thức như một hội chợ thương mại, hàng hóa được bày bán 100% là hàng có thương hiệu Việt Nam. Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tại hội chợ, các doanh nghiệp mang đến nhiều mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống của nhân dân như: Máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, nội thất, hàng dệt may, hàng gia dụng, các sản phẩm truyền thống của địa phương, hàng điện tử, sản phẩm làng nghề... Hàng hóa bày bán tại hội chợ đều có chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cũng từ những phiên chợ, hàng hóa nông sản đặc trưng của các xã cũng được bày bán giới thiệu với du khách gần xa.
Mỗi phiên chợ như đưa Tết về với vùng cao sớm hơn. Càng giáp Tết thì chợ càng đông vui, càng đông vui thì bán được nhiều hàng. Đấy là cái riêng có của chợ vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết