Chợ truyền thống khó niêm yết giá

- Với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, công tác quản lý giá hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi thực hiện niêm yết giá thì tại các chợ truyền thống công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vẫn còn đối phó

Tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) hiện có 450 gian hàng kinh doanh cố định với nhiều mặt hàng từ bánh kẹo, quần áo, giày dép đến thực phẩm tươi sống, rau củ... Thế nhưng tại đây có khoảng 85% mặt hàng không được niêm yết giá. Khi hỏi về vấn đề này, phần đông tiểu thương cho rằng, việc niêm yết giá khá phiền phức, giá cả thường xuyên thay đổi cùng với thói quen mặc cả khi mua hàng của người tiêu dùng nên nếu có niêm yết giá thì cũng không phải giá bán thực tế. Anh Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Chợ thành phố Tuyên Quang cho biết, hàng năm, Ban Quản lý chợ phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, kiểm tra về hành vi vi phạm quy định niêm yết giá bán lẻ nhưng số lượng phạt không nhiều, chủ yếu nhắc nhở. Các kiốt kinh doanh với lượng hàng lên đến vài trăm loại, nhiều mặt hàng có giá trị từ vài nghìn đồng nên phần lớn chủ cửa hàng rất ngại niêm yết. Hơn nữa, khi bán hàng người bán sẽ thương lượng, thỏa thuận với khách hàng về giá bán nên ban quản lý khó phát hiện, xử lý. 

Chị Nguyễn Thị Giang, chủ một gian hàng bán tạp hoá tại chợ Tam cờ thẳng thắn nói, tâm lý người mua hàng ở chợ thường trả giá nên giờ thay vì ghi giá chị ghi mã số. Với mã số ghi trên sản phẩm, nếu khách quen bán giá khác, khách lạ sẽ nói giá cao hơn, khi khách trả giá bớt một ít vẫn bán được. Ví dụ, 10023 có nghĩa giá bán là 100.000 đồng, khách mặc cả có thể bán thấp hơn 30.000 đồng cho khách quen, bớt 20.000 đồng cho khách mua lần đầu. Hơn nữa, người mua hàng trả giá nên người bán phải “nói thách” thì mới bán được hàng. Còn những ngày ế ẩm chị phải hạ giá, nếu thực hiện bán theo giá niêm yết thì rất khó.

Nhiều mặt hàng được bán tại Chợ thị trấn Sơn Dương không được niêm yết giá theo quy định.

Qua quan sát tại một số chợ trên địa bàn các huyện Chiêm Hoá, Na Hang, Sơn Dương... tình trạng không niêm yết giá cũng diễn ra phổ biến. Từ các mặt hàng gia dụng, đồ điện tử, quần áo đến gạo, thịt... khó thấy được tấm biển gắn giá nào. Chị Hà Minh Thuỳ, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hoá) cho biết, nhà gần chợ nên trước đây chị thường vào chợ trung tâm huyện mua sắm bởi ở đó đa dạng các mặt hàng lại gần nhà. Tuy nhiên, phải biết trả giá thì mới không bị mua đắt vì hầu hết các quầy hàng ở chợ đều nói giá gấp 2, 3 lần giá thực của sản phẩm. Có lần chị mua một chiếc áo tại chợ người bán nói 250 nghìn đồng, sau khi mặc cả chị mua được với giá 170 nghìn đồng. Không chỉ riêng áo quần mà các mặt hàng khác cũng phải biết trả giá nếu không muốn bị mua đắt.

Cần tăng cường quản lý

Chính phủ đã quy định cụ thể về việc niêm yết giá hàng hóa theo các hình thức thích hợp, rõ ràng bằng cách dán, ghi giá trên bảng hoặc gắn giá trực tiếp lên sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay 99 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều chưa thực hiện đầy đủ việc niêm yết và bán theo giá niêm yết. Cũng chính điều này đã khiến phần đông người tiêu dùng "quay lưng" với chợ truyền thống và chọn hình thức mua sắm văn minh tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Theo Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hành vi không niêm yết giá sản phẩm, niêm yết giá không rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho vi phạm lần đầu; 1 đến 3 triệu đồng đối với vi phạm nhiều lần; phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết và dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

 Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá tại Chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang)

Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị xử lý 75 vụ vi phạm liên quan đến quy định về niêm yết giá với số tiền phạt trên 61 triệu đồng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chủ yếu xử lý vi phạm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, còn tại các chợ chủ yếu tuyên truyền các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết và bán đúng giá niêm yết. Ngoài ra, nhiều chợ họp theo phiên, một số mặt hàng do người dân tự làm đem ra chợ bán nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm khó thực hiện. Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các cửa hàng kinh doanh vi phạm nhằm thay đổi thói quen, hành vi mua bán của người tiêu dùng và người kinh doanh.   

Việc niêm yết giá thể hiện tính văn minh trong kinh doanh. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những hộ kinh doanh và mỗi người dân cần chung tay bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng cách lựa chọn các sản phẩm rõ nguồn gốc, niêm yết giá rõ ràng. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, giao thương phát triển.                                                                         

  Bài, ảnh: Thuý Nga

Tin cùng chuyên mục