Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì buổi họp.
Lễ hội Thành Tuyên riêng có và đặc sắc của Tuyên Quang trải qua quá trình hình thành, phát triển từ năm 2004. Đến năm 2008 từ một lễ hội tự phát được nâng lên lễ hội cấp thành phố, đến năm 2014 được nâng lên cấp tỉnh. Trải qua 18 mùa lễ hội sôi động, ấn tượng trong lòng nhân dân và du khách thập phương, Lễ hội Thành Tuyên đã có thương hiệu nổi trội, không ngừng phát triển. Phát huy những kết quả đã đạt được, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mong muốn xây dựng Lễ hội Thành Tuyên mang thương hiệu quốc gia và có tính quốc tế như lời phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Lễ Khai mạc Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” ở Việt Nam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên 2022 tại Tuyên Quang. Đồng thời thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố xây dựng Đề án đổi mới Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025.
Tại buổi họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng, quan điểm, mục tiêu của Lễ hội, từ đó xây dựng đổi mới về quy mô, hướng tới nâng tầm Lễ hội mang tính quốc tế. Trong đó, tập trung thảo luận một số nội dung chính như tên gọi, nội dung, không gian, thời gian tổ chức lễ hội... Các đại biểu nhấn mạnh, Đêm hội Thành Tuyên lấy thiếu niên, nhi đồng là trung tâm, mời các nước có quan hệ hữu nghị với tỉnh tham gia chương trình nghệ thuật, diễn diễu mô hình đèn Trung thu.
Công tác tổ chức Lễ hội đổi mới theo hướng tối giản những nghi lễ không cần thiết, tăng cường nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phương thức phục vụ cần được nâng cao; công tác liên kết du lịch, quảng bá, xúc tiến đầu tư phải được đẩy mạnh. Nguồn lực cho Lễ hội tăng tính xã hội hóa, có thể tổ chức lễ hội bằng chính nguồn kinh phí do lễ hội mang lại; xây dựng thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và ngoài nước, được bảo hộ về nhãn hiệu…
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương giao đơn vị chủ trì đề án là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo đề án, đảm bảo khoa học, tính khả thi cao. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đề án sau khi được ban hành trên địa bàn, lĩnh vực được giao; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Cùng với đó, đổi mới du lịch thông minh, công tác truyền thông chuyên nghiệp, bài bản, tạo hiệu ứng tốt. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng cần quảng bá mạnh về du lịch của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu số hóa công tác quảng bá các khu, điểm, dịch vụ, sản phẩm du lịch của tỉnh. Có thể tổ chức Tết độc lập, bảo tàng ẩm thực vùng Đông Bắc, thu hút thêm khách về với Tuyên Quang. Tinh thần làm cần khẩn trương, bàn bản và quyết liệt...
Gửi phản hồi
In bài viết