Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên rất đông nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ, do đó phải tiếp tục thực hiện mô hình du lịch homestay tại địa bàn thành phố Tuyên Quang và khu vực lân cận của huyện Yên Sơn. Đây là lễ hội lớn, phải có chiến lược phát triển bền vững để người dân được hưởng lợi, tạo liên kết thân thiện với du khách. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát huy lợi thế của Lễ hội thành Tuyên. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai bảo hộ lễ hội, tiến hành các bước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Xác định rõ cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm, bất cập để di chuyển
Cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chương trình hành động phải tập trung giải quyết vướng mắc, bất cập về đất đai; xác định cơ sở sản xuất nào bất hợp lý, gây ô nhiễm môi trường phải di chuyển ra khỏi khu dân cư, đô thị trong thời gian tới, hạn chế tối đa xây dựng các trường học bám các trục đường chính để bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, làm rõ một số nội dung được đề cập trong chương trình hành động như hoàn thiện cơ bản công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử đất đối với với loại đất nào cần phải cụ thể, rõ ràng. Việc xây dựng giá đất phải sát với thị trường, bảo đảm công bằng trong tái định cư, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan soạn thảo phải bám sát tinh thần Nghị quyết 18 để xây dựng chương trình hành động; việc áp dụng quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất bảo đảm người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ…
Thảo luận nội dung này, các đại biểu dự hội nghị cho rằng, cần làm rõ một số một số vấn đề được đề cập trong chương trình hành động như thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực dự án đầu tư, trong khi đó Nghị quyết 18 chỉ đề cập đến việc thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sự đất xây dựng khu đô thị và nhà ở thương mại. Đồng thời, tăng cường vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát của MTTQ trong công tác quản lý đất đai.
Đặt mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng
Về dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đặt mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đó, phải tách tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn riêng biệt, không thể đưa chung, nếu đưa chung với mức tăng trưởng của 2 lĩnh vực này trên 9%/năm là quá thấp. Chỉ tiêu thu nhập được đề cập trong chương trình hành động phải so sánh với giai đoạn 2025, chứ không lấy mốc năm 2020. Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài rừng, cần phải xác định vùng dược liệu để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến vào lĩnh vực này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần có chính sách thu hút, vận động người dân chuyển đổi đất đai kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, trồng dược liệu dưới tán rừng, tạo ra thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời, xác định thu nhập của người trồng rừng trên đơn vị diện tích sao cho hợp lý; nâng cao giá trị rừng gỗ lớn từ cây bản địa, chứ không riêng từ cây keo để tăng thu nhập cho người dân.
Lựa chọn người có năng lực tham gia ban quản trị hợp tác xã
Đối với dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân rất cần xác định rõ lợi thế phát triển của hợp tác xã. Trong nông nghiệp phải gắn hợp tác xã với doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực; xây dựng đội ngũ quản trị cho hợp tác xã có trình độ, năng lực. Đồng chí đề nghị, ngành Nông nghiệp và các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý những hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả; xác định rõ thế mạnh để hợp tác xã phát triển.
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thành lập hợp tác xã mới chỉ để có tư cách pháp nhân, nhiều hợp tác xã thực tế hoạt động chưa có gì. Chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển của hợp tác xã. Việc thu hút sinh viên tốt nghiệp về hợp tác xã dẫu có trình độ nhưng còn thiếu kinh nghiệm sản xuất và thương trường. Thực tế, nhiều giám đốc hợp tác xã không có trình độ nhưng lại rất giỏi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là lựa chọn người tham gia ban quản trị để hợp tác xã phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, không phát triển các hợp tác xã theo số lượng, cần loại bỏ những hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Các ngành chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ vai trò của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các hợp tác xã phù hợp với thực tiễn phát triển…
Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cho ý kiến dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX; sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định liên quan đến Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác.
Về phát triển đô thị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải xây dựng đô thị Tuyên Quang trở thành nơi đáng sống, kế thừa văn hóa truyền thống trong tầm nhìn hiện đại; tập trung cải tạo các hồ sinh thái, không gian công viên, cây xanh. Đối với các tuyến phố mới phải thống nhất, duyệt quy hoạch kiến trúc mặt tiền và cây xanh để tạo cảnh quan đẹp. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định liên quan đến Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh là rất cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích kịp thời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thân thiện mới môi trường, các cơ sở tái chế rác thải nhựa…
Gửi phản hồi
In bài viết