Nhưng có một việc chắc nhiều cử tri chưa làm - ấy là nghiên cứu tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt ở nơi mình sẽ bỏ phiếu để lựa chọn đúng người xứng đáng, đúng số lượng quy định để bỏ phiếu.
Thực tế những cuộc bầu cử ở nhiều địa phương trước đây, có tình trạng cử tri bỏ phiếu theo cảm tính, thậm chí một người bỏ phiếu cho cả gia đình. Nên có tình trạng cử tri không biết người đã bầu trong lá phiếu của mình là ai, trình độ, nghề nghiệp, năng lực thế nào.
Trên báo chí đã có câu chuyện về một nữ Việt kiều Úc khi về nước, sinh con nhưng thất lạc các giấy tờ tùy thân. Không có cách gì trở lại Úc cũng như chứng thực đứa bé là con mình, cô viện đến một nghị sỹ quốc hội mà mình đã bầu ở bên đó. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa.
Câu chuyện không chỉ nói lên tinh thần vì dân của nghị sỹ nọ, mà còn cho thấy cách người phụ nữ lựa chọn để gửi gắm nguyện vọng chính đáng của mình. Nếu như không nhớ mình đã bầu cho ai, không tin tưởng vào vai trò người đại biểu dân cử, chắc sẽ không lựa chọn như vậy.
Thực tế đang có nhiều người thường nói về dân chủ như một cách đòi quyền lợi cho người dân - đúng hơn là cho bản thân; trong khi không nhớ thực hiện quyền dân chủ mình đang có. Ấy là tự mình tìm hiểu để biết rõ, lựa chọn người mình sẽ bầu để đại diện cho mình. Làm được như thế, mới gửi gắm được nguyện vọng chính đáng, đồng thời giám sát được đại biểu thực hiện nhiệm vụ thế nào.
Sinh thời, Bác Hồ đã nói ngày bầu cử là ngày “dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”. Lời Bác chính là lời nhắc nhớ để ngày mai cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên xứng đáng. Đây chính là việc chọn mặt để gửi vàng - gửi tất cả niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri vào lá phiếu bầu đã chọn lựa.
Gửi phản hồi
In bài viết