Hiện nay, câu chuyện “khởi nghiệp” không chỉ là mục tiêu của biết bao bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn là ước mơ tạo dựng được một doanh nghiệp riêng cho mình của bất cứ ai. Nói đơn giản hơn nghĩa là khát vọng về việc chấm dứt sự làm thuê, mà chuyển sang làm chủ doanh nghiệp. Với cộng đồng, khởi nghiệp còn bao gồm cả việc tạo ra những giá trị cho xã hội như giá trị kinh tế, tạo thêm việc làm hoặc tạo ra một ngành, lĩnh vực, sản phẩm công nghệ mới.
Xung quanh khái niệm “khởi nghiệp” còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT: “Một bên là Khởi nghiệp (Start-up) đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập nghiệp (Entrepreneurship). Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm”. Còn theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới”.
Tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng như Israel, có vô số những câu chuyện truyền cảm hứng về khởi nghiệp đã trở thành những bài học quý giá cho những người quan tâm đến chủ đề này. Các tác giả đồng thời là các tỷ phú của thế giới hiện nay cũng không tiếc công tự mình viết nên những cuốn sách truyền tải những bài học cho lớp trẻ về khởi nghiệp. Có thể nói tư liệu để nghiên cứu và học hỏi về lĩnh vực này không thiếu và không hiếm để tiếp cận.
Câu hỏi mà học sinh, sinh viên Tuyên Quang nêu ra “Chúng em đang còn ngồi trên ghế nhà trường, hàng ngày chúng em nạp rất nhiều kiến thức chuyên môn vào đầu, nhưng chúng em chưa biết vận dụng những kiến thức ấy như thế nào và tư duy ra sao để khởi nghiệp?” dành cho 3 vị doanh nhân thành đạt tại diễn đàn khởi nghiệp học sinh sinh viên Tuyên Quang do Tỉnh đoàn Tuyên Quang tổ chức chính là khao khát được thay đổi, được vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học làm giàu cho bản thân, cho quê hương.
Trong thực tế, hiện nay còn nhiều học sinh, sinh viên suy nghĩ rất đơn giản. Có bạn đơn thuần chỉ mong đến tuổi trưởng thành, có được việc làm trong nhà nước, bản thân có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Có bạn lại ao ước mình có thể tự tay xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình và cưới được một người như ý. Đơn giản hơn có bạn chỉ mong có việc làm ổn định với mức lương đủ sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học, rồi cố gắng để ra được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu…
Những bạn có suy nghĩ này thường mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống tốt, tuy không giàu có nhưng đủ để cha mẹ yên tâm và tự hào. Câu chuyện khởi nghiệp rất tiếc không đến với những con người an phận thủ thường này, bởi khi đã mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, họ tuyệt nhiên không muốn mạo hiểm lao vào con đường khởi nghiệp.
Tham dự Diễn đàn Khởi nghiệp học sinh, sinh viên Tuyên Quang, lắng nghe câu hỏi của các em, tôi cứ nghĩ mãi về những người thành công và câu chuyện khởi nghiệp của họ.
Tại miền Bắc California, Hoa Kỳ, ở thung lũng Silicon - nơi tập hợp những tinh hoa - tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới, nơi có nhiều công ty hàng đầu với những công nghệ đột phá, sáng tạo như Apple, Google, Facebook và Netflix đã hình thành một lối tư duy vô cùng độc đáo, còn gọi là “Tư duy thung lũng Silicon” với những cách nghĩ, cách làm rất khác biệt mà một người bình thường không thể hình dung được. Những con người độc đáo này cho rằng, cái mỗi chúng ta cần nhận diện ngoài chuyện tích lũy kiến thức chuyên môn là những bí quyết.
Tôi đã lượm lặt từ phát ngôn của những tỷ phú triệu đô, một vài bí quyết mà họ chia sẻ:
Thứ nhất, ai cũng nghĩ khởi nghiệp quan trọng nhất là ý tưởng. Tuy nhiên kinh nghiệm của các tỷ phú đôi khi lại cho thấy, cách thực hiện quan trọng hơn nhiều so với ý tưởng. Minh chứng cho điều này, Jeff Bezos là một ví dụ tiêu biểu. Ông và rất nhiều người tại D.E.Shaw đã cùng thảo luận ý tưởng về cửa hàng triệu đô và nhận thấy tiềm năng của Internet tại thời điểm đó. Nhưng cuối cùng chỉ một mình ông dám đưa ra quyết định nghỉ một công việc có thu nhập tốt tại phố Wall để theo đuổi ý tưởng “điên rồ” của mình. Ông đã kiên trì hành động để cuối cùng đã tạo nên một đế chế Amazon - chợ thương mại điện tử lớn mạnh nhất thế giới.
Thứ hai, trong khởi nghiệp, quan trọng nhất là dám thất bại và rút ra kinh nghiệm để thành công. Tinh thần khởi nghiệp là tinh thần không sợ thất bại. Đương đầu với thử thách rồi thất bại còn hơn là bạn không dám làm gì cả. Bạn chỉ có thể cải thiện bản thân, công việc kinh doanh và sự nghiệp của mình nếu biết thừa nhận thất bại, học hỏi, và rút kinh nghiệm từ nó. Những lúc đó, hãy chậm lại để quan sát, phân tích tình huống, và ghi nhớ bài học cho những mục tiêu lớn hơn trong cuộc đời. Hãy dám chấp nhận thất bại và biến những kinh nghiệm đó thành lợi thế cạnh tranh của bạn so với những người chưa từng vấp ngã.
Thứ ba, để khởi nghiệp thành công phải có tinh thần hợp tác cao. Với những công ty nhỏ và Startup, sự hợp tác là một công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực. Bạn có thể hỏi một người bạn khác để xin lời khuyên hoặc được giới thiệu đến người có thể hỗ trợ bạn. Một trong những lợi ích nổi bật của việc hợp tác chính là cơ hội học hỏi. Bất cứ sự tương tác nào, dù là trong hay ngoài mạng lưới kết nối của bạn, đều sẽ dạy cho bạn điều gì đó mới và giá trị.
Từ xa xưa có biết bao nhân tài lao tâm khổ tứ, đem hết sức mình cho sự phát triển của xã hội. Trong tâm khảm của họ, tiền bạc, công danh không phải là mục đích, là lẽ sống duy nhất. Họ coi trọng nghĩa vụ của con người với xã hội. Họ mang trong lòng lý tưởng to lớn và ngày đêm nỗ lực thực hiện hoài bão đó. Hiện nay, các bạn học sinh, sinh viên - những người đang cố gắng học hành - tất cả đều đang thừa hưởng di sản của tổ tiên, của những người đi trước. Hơn nữa, các bạn đang đứng trên tuyến đầu của sự tiến bộ nên lại càng phải gắng sức cho sự phát triển của nền văn minh.
Vì lẽ đó, các bạn hãy tự nhủ rằng sự phấn đấu có nhiều mấy đi nữa cũng sẽ vẫn luôn chưa đủ. Nói tóm lại, trách nhiệm của chúng ta là phải để lại một cách sống động dấu tích của các hoạt động xã hội, phải tiếp tục truyền bá nó cho muôn đời sau. Tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chắc chắn thành hiện thực.
Gửi phản hồi
In bài viết