Siết chặt công tác quản lý
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành thực hiện khá chặt chẽ và nghiêm túc. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như tự ý chuyển nhượng đất, tách thửa, hợp thửa đất để phân lô, bán nền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã manh nha, có dấu hiệu nhiều lên; thị trường bất động sản có dấu hiệu đầu cơ, mua đi bán lại đất đai gây sốt ảo trên thị trường. Công tác quản lý san lấp đất tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo quy định; sử dụng đất trái mục đích, nhất là đất lâm nghiệp còn xảy ra ở một số địa bàn. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng đất không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý về đất đai, tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2022 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh: Qua kiểm tra thực tế về quản lý đất đai ở các địa phương, qua tiếp công dân, vấn đề quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Cụ thể, đã có trường hợp tự san gạt mặt bằng, phân lô, bán nền, tách thửa, hợp thửa trái quy định. UBND tỉnh đã có văn bản số 1193, ngày 9-4-2022 chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiên quyết không công chứng đối với các hồ sơ chuyển nhượng đất có vi phạm, nhất là việc tách thửa, hợp thửa…
Trung tâm huyện Yên Sơn được xây dựng theo quy hoạch sử dụng đất.
Đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã ban hành văn bản 797 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm việc san lô, bán nền trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1193/UBND-KT, ngày 9-4-2022 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhất là đối với quy định về điều kiện được chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều kiện được tách thửa, hợp thửa đất để nhân dân nắm được các quy định của pháp luật, hiểu và thực hiện đúng, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các UBND huyện, thành phố chỉ đạo các UBND các xã, phường không thực hiện việc chứng thực đối với các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi; không được xác nhận hành vi chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức viết tay. Phòng Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chuyên môn trực thuộc không lập thủ tục cho phép chuyển mục đích, tách thửa đất đối tất cả các loại đất tại các khu vực không phù hợp với quy hoạch sử dụng hoặc nằm trong quy hoạch. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực quy hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, khu đô thị tại vị trí đất bám trục đường giao thông, lợi thế thương mại cao, quỹ đất ven các trục đường quy hoạch mở mới, khu vực quy hoạch các công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Không để thiếu thông tin quy hoạch
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số tỉnh, thành phố là do người dân thiếu thông tin quy hoạch. Việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Từ thực tiễn cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh, thông tin quy hoạch về sử dụng đất của các ngành, chính quyền các địa phương đều công khai, minh bạch. Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đã thực hiện tốt công tác thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 huyện, thành phố; đề xuất, hoàn thành điều chỉnh bảng giá đất 5 năm của tỉnh khi có sự thay đổi về địa giới hành chính tại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Các quy hoạch sử dụng đất đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin của ngành để người dân, doanh nghiệp tiếp cận.
Một góc phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) được xây dựng theo quy hoạch sử dụng đất.
Mọi thông tin liên quan đến quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất đều được huyện Hàm Yên đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện và niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, thị trấn. Anh Nguyễn Việt Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Yên cho biết: Công khai, minh bạch về đất đai đã giúp các cấp lãnh đạo, cán bộ từ huyện đến cơ sở kịp thời nắm bắt được thông tin, phát hiện các sai phạm ngay từ khi manh nha để xử lý. Đồng thời, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, nghiên cứu đầu tư…
Với việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 948 dự án với tổng diện tích là 6.183,26 ha. Trong giai đoạn từ 2020 - 2030, tỉnh có nhu cầu sử dụng đất đối với đất nông nghiệp 526.570 ha. Trong đó, đất trồng lúa 25.266 ha, đất trồng cây lâu năm 43.303 ha, đất rừng phòng hộ 118.277 ha, đất rừng đặc dụng 46.499 ha, đất rừng sản xuất 267.010 ha, đất nuôi trồng thủy sản 3.331 ha; đất phi nông nghiệp 57.572 ha.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thực sự trở thành công cụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là căn cứ để giao đất, thuê đất, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất. Việc thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng nguồn thu từ đất, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh vào nền nếp.
Gửi phản hồi
In bài viết