Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cả nước, nhất là việc ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19 tại thành phố Tuyên Quang (ngày 26-7), Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa tập trung học sinh, học viên cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo văn bản chỉ đạo của các cấp và chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2021-2022. Thực hiện chỉ đạo trên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, hoàn thành tuyển sinh đầu cấp... sẵn sàng cho năm học mới.
Công trình nhà hiệu bộ, lớp học của Trường Tiểu học Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) được đầu tư xây dựng khang trang
đưa vào sử dụng trong năm học mới 2021 - 2022.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Trường THPT Sơn Dương cử lực lượng cán bộ, giáo viên trực trường thường xuyên vệ sinh khuôn viên, bảo dưỡng đồ dùng, thiết bị dạy học... đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của ngành về thời gian, kế hoạch năm học mới. Thầy giáo Nguyễn Chí Thức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới 2021-2022. Nhà trường cũng đã hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10 với hơn 500 học sinh trúng tuyển, tổng số học sinh toàn trường là 1.420 em.
Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học 2021-2022, UBND thành phố Tuyên Quang đã bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia năm 2021 là Trường Mầm non Kim Phú, Sao Mai và các trường tiểu học, THCS thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đồng chí Trần Hồng Lương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tuyên Quang cho biết, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã hoàn thành đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 45 phòng học, nâng số phòng học kiên cố lên 668 phòng, đạt 81,6%. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đã tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Tùy tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non đã tiến hành sắp xếp, dồn ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính để vừa tập trung cơ sở vật chất, bố trí giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu giáo viên. Cô giáo Ma Thị Viên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình An (Lâm Bình) nói, trường vừa tiến hành dồn 1 điểm trường lẻ về điểm trường chính. Nhờ đó, trong năm học này đáp ứng đủ lớp, đủ giáo viên, phấn đấu nâng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ theo Nghị quyết 73 đạt hơn 30%, duy trì tỷ lệ trẻ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt 100%.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 474 trường học từ bậc mầm non đến THPT. Trong đó, có 227 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 47,9%; đội ngũ cán bộ, giáo viên có trên 12.700 người, tỷ lệ đạt chuẩn theo quy định mới cấp mầm non chiếm trên 83%, tiểu học trên 36%, THCS trên 71%, THPT 100%. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học trong năm học mới. Những công trình xuống cấp đang được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm học mới này. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở, trang thiết bị, góp phần tạo động lực để nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Do tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, chưa có thời gian tựu trường chính thức, do vậy các cơ sở giáo dục cần theo dõi, cập nhật thông tin chỉ đạo mới nhất của tỉnh, của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Cùng với đó triển khai tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới 2021-2022.
Gửi phản hồi
In bài viết