Chủ động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Doanh nghiệp tham gia thị trường mà không nắm rõ quy định của pháp luật có liên quan có thể khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, để hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ pháp lý và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; UBND tỉnh có Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2025.

Hiện nay, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện với 5 nội dung chính là: Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức; giải đáp pháp luật bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp; tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 3 cuộc khảo sát khó khăn, vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ pháp lý đối với 800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, Sở tổ chức 6 hội nghị, đối thoại, tọa đàm, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh cho gần 500 lượt đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp tham gia đối thoại về pháp lý với Sở Tư pháp.

Cùng với đó, Sở đã biên soạn, cung cấp miễn phí tài liệu tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp; phối hợp xây dựng các chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đăng tải, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Tuyên Quang. Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang đăng tải nhiều thông tin về pháp luật cho doanh nghiệp đồng thời tiếp nhận, giải đáp phản ánh, kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Việc phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như phản ánh kiến nghị, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức nhằm giảm thiểu rủi ro trong cạnh tranh. Năm 2018, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được thành lập. Từ đó đến nay, Trung tâm luôn là “địa chỉ đỏ” là chỗ dựa tin cậy về các vấn đề pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Trung tâm luôn sẵn sàng thực hiện  hợp đồng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thu phí và miễn phí.

Anh Vương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây Dựng và Thương mại Đại Phát cho biết, ngay từ khi thành lập, Công ty đã đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về pháp lý để tránh rủi ro sau này. Sở Tư pháp là đơn vị luôn sẵn sàng cung cấp cho Công ty những kiến thức pháp luật. Ngoài ra Công ty hợp đồng với Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định lại các hợp đồng kinh tế và tư vấn hỗ trợ xây dựng các bản hợp đồng. Qua đó đã giúp lãnh đạo Công ty tự tin, tránh được những sai sót có rủi ro về pháp lý mỗi khi thực hiện việc ký kết các hợp đồng kinh tế.

Doanh nghiệp cần chủ động 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự chủ động trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, mặc dù triển khai việc giải đáp pháp luật miễn phí nhưng rất ít doanh nghiệp nào gọi điện hoặc trực tiếp tìm đến đơn vị đầu mối là Sở Tư pháp để nhờ trợ giúp. Nhiều doanh nghiệp có tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, thụ động, chưa trang bị đủ về thông tin pháp lý, chỉ khi thực sự gặp phải vấn đề về pháp lý mới tìm hiểu cách tháo gỡ.

Trên thực tế, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần chưa phân biệt ngành, nghề, lĩnh vực trong khi đặc thù sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khác nhau và kèm theo đó là các quy định, hành lang pháp lý cũng khác nhau. Do đó việc hỗ trợ pháp lý của Nhà nước đôi khi tương tác một chiều, những thông tin như vậy khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp nhận đầy đủ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoạt động không hiệu quả nên cũng không quan tâm đến việc nghiên cứu, tìm hiểu văn bản pháp luật, mặc dù được mời tập huấn nhưng nhiều doanh nghiệp không đến hoặc đến không đúng thành phần, hiệu quả không cao.

Theo đồng chí Vũ Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Xây dựng, Kiểm tra, Thi hành pháp luật và Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp, trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX còn lúng túng, vướng mắc phổ biến về pháp lý là việc đăng ký quyền sở hữu bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ ý tưởng sáng tạo. Đó là mong muốn được tư vấn các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký kinh doanh, thuế vụ, đất đai, môi trường, thủ tục công chứng,… Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, HTX thiếu tự tin, chủ động để mở rộng ý tưởng kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho mình.

Do vậy thời gian tới, việc tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà nước và doanh nghiệp đang được các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện. Ngoài tổ chức hội nghị tập huấn, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tư vấn pháp luật thông qua đầu mối các hội, hiệp hội, câu lạc bộ kênh thông tin mạng xã hội như facebook, zalo, tư vấn qua đường dây nóng và trực tiếp khi doanh nghiệp có nhu cầu… Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải chủ động trang bị cho mình kiến thức pháp luật.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục