Để thực hiện phong trào có hiệu quả, công tác tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ ô nhiễm nhựa, hiểm họa từ túi nilon đã được triển khai toàn diện. Nhiều hoạt động đã được tổ chức đa dạng phù hợp với từng cấp học như các cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường, sân khấu hóa, lồng ghép trong các giờ học, tiết sinh hoạt... Cũng ngay từ đầu năm học mới, các phong trào “đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, tái chế rác thải nhựa tiếp tục được duy trì ở nhiều trường học.
Học sinh Trường THCS Hoàng Khai (Yên Sơn) tham gia đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.
Tại Trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh, xã Phú Thịnh (Yên Sơn), hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2022, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho các thầy cô giáo, các em học sinh thu gom, xử lý rác thải, dọn dẹp khuôn viên nhà trường, tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm. Em Nguyễn Thu Trà, lớp 9 nói: “Chúng em thích nhất hoạt động tham gia đổi rác thải nhựa, phế liệu lấy đồ dùng học tập như bút, thước kẻ, vở viết... Từ vỏ lon, chai nhựa, sách báo cũ thu gom được, em đã đổi được một chiếc hộp bút xinh xắn. Thông qua hoạt động, chúng em cũng hiểu được ý nghĩa của việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải để bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn”.
Mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” là một trong những mô hình thiết thực nằm trong phong trào “Tuổi trẻ học đường chung tay phòng chống rác thải nhựa”. Đến nay, toàn tỉnh có gần 350 mô hình được duy trì thường xuyên và hoạt động có hiệu quả. Từ tiền thu được qua thu gom rác thải nhựa, rác thải tái chế, các trường học đã sử dụng để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các chương trình tình nguyện...
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, vừa qua, Liên đội nhà trường đã phát động ngày hội kế hoạch nhỏ “Thu gom, phân loại rác thải nhựa” và được đông đảo đội viên trong liên đội tham gia. Tại chương trình, các em đã tham gia thu gom được gần 500 kg vỏ lon, chai nhựa, bìa carton, quy đổi được trên 3 triệu đồng để xây dựng Quỹ Vì bạn nghèo của Liên đội. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức của đội viên, thiếu nhi trong bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Đồng thời giúp giáo dục, khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, sẻ chia với các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong Liên đội.
Việc tận dụng những sản phẩm nhựa không còn sử dụng được để làm thành những đồ dùng, vật dụng có ích, đồ trang trí, đồ chơi trong lớp học đã trở thành phong trào lan tỏa trong nhiều trường học. Nhờ những sáng kiến biến rác thải thành đồ chơi đã giúp tiết kiệm chi phí mua sắm đồ dùng dạy học mà còn góp phần phát triển tư duy sáng tạo của trẻ. Cô giáo Hoàng Thị Linh, Trường Mầm non Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, tận dụng những chai nhựa, vỏ lon, bìa các tông không còn sử dụng, các cô giáo trong trường đã tạo thành các con vật, đồ dùng, đồ chơi đầy màu sắc. Bên cạnh đó, những sản phẩm trang trí khuôn viên như chậu cây từ can nhựa, tua rua, chuông gió... cũng khiến cho sân trường, lớp học trở nên sinh động hơn. Những sáng kiến, sáng tạo đã giúp hạn chế đưa rác thải nhựa ra môi trường, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch hơn.
Phong trào chống rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà đã trở thành những hoạt động thiết thực trong các trường, lớp học. Tuy nhiên, để phong trào trở nên có hiệu quả, thực sự mang lại ảnh hưởng tích cực đến đời sống thì cần sự kiên trì và sự vào cuộc của toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng như toàn xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết