Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng

- Lực lượng chức năng tại tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị kiểm lâm đã áp dụng công nghệ số vào phát hiện cháy rừng sớm; phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo, thực hiện ở cấp ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ứng dụng hệ thống giám sát rừng

Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đang tích cực sử dụng phần mềm để quản lý, bảo vệ rừng như Locus Map, FRMS 4.0 Desktop, thiết bị viễn thám. Các phần mềm này được tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại thông minh, hỗ trợ nhiều tính năng như: Đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng… hỗ trợ đắc lực cho công chức kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về tài nguyên rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương được giao quản lý và phát triển gần 78.800 ha rừng thuộc 31 xã. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trong những khu rừng đặc dụng với diện tích hơn 4.000 ha, có nhiều cây giang, cây nứa mọc xen kẽ. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích cây nứa bị chết khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Sơn Dương cập nhật phần mềm theo dõi diễn biến rừng.

Ông Nguyễn Tiến Long, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương cho biết: Hạt đã tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ tại khu vực Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đặc biệt ứng dụng công nghệ số đã giúp việc quản lý rừng tốt hơn nhiều. Thông qua dữ liệu các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh ở chi cục, cán bộ sẽ thông báo cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác định chính xác tiểu khu, khoảnh, lô của chủ rừng, diện tích rừng bị mất, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn sử dụng phần mềm quản lý bản đồ trên điện thoại thông minh (FRMS Mobile). Đây là công cụ giúp thay thế bản đồ giấy thông thường và nâng cao độ chính xác trong việc xác định vị trí, xác minh thông tin biến động rừng.

Diện tích rừng đặc dụng của Sơn Dương chủ yếu ở Tân Trào, trong đó thôn Tân Lập có gần 1.000 ha. Trước đây, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương chỉ phát hiện những biến động về rừng khi đi kiểm tra thực tế hoặc qua tin báo của người dân. Từ khi sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS 4.0 Desktop, lực lượng kiểm lâm theo dõi hiện trạng rừng, xác định rõ vị trí, tọa độ, lô, khoảnh rừng của từng chủ rừng thông qua ảnh vệ tinh.

Anh Đỗ Xuân Toại, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo De chia sẻ, diện tích rừng đặc dụng lớn, trong đó có những địa hình phức tạp, di chuyển xa và đi lại khó khăn. Mỗi chuyến tuần tra, cập nhật diễn biến rừng, lực lượng bảo vệ rừng phải đi bộ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong rừng. Nhờ có phần mềm theo dõi diễn biến rừng, việc quản lý rừng dễ dàng, chính xác hơn, không tốn nhiều thời gian, công sức.

Linh hoạt các giải pháp

Toàn tỉnh có hơn 440.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.000 ha đất rừng đặc dụng, gần 121.000 ha đất rừng phòng hộ, hơn 272.000 ha đất rừng sản xuất và hơn 13.000 ha diện tích rừng tre, nứa. Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng có thể gây ra, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 1619/UBND-KT ngày 15-4-2025 chỉ đạo về việc tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Chủ động, quyết liệt hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Chiêm Hóa hướng dẫn người dân phát dọn thực bì. 

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực trọng điểm, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng  điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết: Trung Hà có tổng diện tích rừng tự nhiên là trên 10.300 ha. Trong đó, rừng phòng hộ trên 2.508 ha, rừng sản xuất khoảng 3.855 ha. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên an ninh trật tự rừng trên địa bàn luôn được giữ vững với độ che phủ rừng đạt trên 74%. Tuy nhiên, thời điểm này thời tiết diễn biến thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể liên quan chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động rà soát đường băng trắng cản lửa ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Bên cạnh đó, chính quyền xã chỉ đạo các lực lượng chức năng bám sát phương châm 4 tại chỗ, tổ chức ứng trực PCCC rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô, nhất là các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Xã chỉ đạo thực hiện phát quang các biển bảo vệ rừng, biển cảnh báo cháy rừng, chỉ đạo thực hiện biển báo hiệu cấp dự báo cháy theo từng ngày. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn nhân dân, xử lý thực bì vào thời gian thích hợp.   

Tỉnh hiện có 1.644 tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn, bản với trên 14.400 thành viên; có 138 đội cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 2.500 người. Lực lượng Kiểm lâm đã lắp đặt gần 2.000 biển tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các cửa rừng, nơi có nguy cơ cháy rừng cao.

Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Kinh nghiệm cho thấy phát hiện đám cháy sớm sẽ có phương án tốt nhất khống chế đám cháy lan rộng. Vì thế, Chi cục làm tốt việc theo dõi diễn biến rừng qua phần mềm, phối hợp với các địa phương bố trí cán bộ tại các trạm, chốt và theo dõi các điểm cảnh báo rừng của Cục Kiểm lâm, thông báo kịp thời cho các chủ rừng.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, kịp thời hướng dẫn các chủ rừng trong việc xử lý thực bì. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao…

Thời tiết diễn biến thất thường nên việc phòng chống cháy rừng cần được chú trọng mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong thời điểm người dân dọn thực bì trồng rừng năm 2025.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục