Người dân trên địa bàn phường An Tường loại bỏ vật dụng chứa nước mưa, tránh để lăng quăng phát triển gây bệnh sốt xuất huyết.
Hướng tới các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 13 và tăng cường phòng chống các dịch bệnh mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành văn bản số 556/KSBT-PCBTN. Theo đó, đề nghị giám đốc trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tập trung phát động các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, huy động người dân tích cực tham gia phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. Các trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát, kịp thời xử lý ổ dịch. Các hóa chất, vật tư, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị phòng dịch cần được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo phòng dịch trên địa bàn.
Bác sỹ Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, chủng muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết là chủng Aedes thường được gọi là “muỗi công chúa”. Nó chỉ sinh sống và phát triển ở trong nước trong, sạch, đặc biệt thích nước mưa và có thể mang mầm mống lây truyền bệnh. Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, trước tiên nhân dân cần loại bỏ nơi muỗi có thể sinh sôi phát triển như các bình, vại, vật dụng chứa nước.
Có thể chủ động phun thuốc diệt muỗi trong môi trường diện rộng hoặc phun trong nhà, phun tồn lưu vào tường từ 1,5m trở xuống và duy trì thói quen sử dụng màn khi ngủ. Cũng theo bác sỹ, sốt xuất huyết là bệnh hoàn toàn có thể phòng chống được nếu người dân, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc. Cùng với đó, ngành y tế cũng cần chủ động khoanh vùng, dập dịch, điều tra các vecto truyền bệnh khi có ổ dịch xuất hiện trên địa bàn.
Năm 2022 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao với 1.279 người mắc, không có ca tử vong. Với xu hướng bùng dịch tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, thành phố Tuyên Quang là địa phương ghi nhận ca mắc cao nhất với 1.069 người. Tiếp sau đó là huyện Yên Sơn với 97 ca mắc, Hàm Yên 22 ca, Sơn Dương 15 ca và Na Hang 8 ca.
Người dân trên địa bàn thành phố ra quân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để phòng dịch sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 6 ca mắc mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động giám sát trọng điểm tại 4 phường trên địa bàn thành phố là Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết, Ỷ La để dự báo tình hình dịch. Trung tâm phân phối cho các huyện, thành phố 415 lít hóa chất diệt muỗi và lăng quăng; tổ chức 2 đội phun hóa chất bằng máy ULV cỡ lớn tại các điểm tập trung đông người như chợ, bến xe, trường học…
Lý giải về sự bùng phát số ca mắc bệnh năm vừa qua, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, do sốt xuất huyết là bệnh mang tính chất chu kỳ. Cùng với đó, sự giao lưu, đi lại của người dân tăng cao trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt chính là nguyên nhân gây bùng phát dịch.
Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột, liên tục, đau nhức cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Cùng với đó xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc cháy máu cam. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể khiến bệnh diễn biến nặng như xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, suy đa tạng thậm chí tử vong. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội cùng mọi người dân cần quyết liệt hơn nữa trong phòng dịch. Theo đó, cần chủ động nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, duy trì thói quen nằm màn…
Gửi phản hồi
In bài viết