Thiếu hụt nguồn nước
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào cao điểm mùa khô, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Theo kết quả rà soát của Trung tâm Nước sạch nông thôn, toàn tỉnh có 7 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang bị thiếu hụt nguồn nước để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Trong đó, huyện Lâm Bình có 6 công trình gồm: Công trình cấp nước xã Thổ Bình, thị trấn Lăng Can, xã Phúc Yên, xã Xuân Lập, xã Thượng Lâm, xã Bình An. Huyện Sơn Dương có công trình cấp nước xã Ninh Lai. Mực nước trên sông Lô cũng đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ban quản lý công trình nước sạch Nhữ Hán - Nhữ Khê (Yên Sơn) kiểm tra hệ thống bơm nước bảo đảm vận hành thông suốt phục vụ người dân.
Trước diễn biến thời tiết khô hạn và nắng nóng sẽ tiếp diễn trong các tháng tới nên các phương án phòng hạn hán, thiếu nước cần phải được chủ động triển khai. Đồng chí Lục Quang Lý, Trưởng ban Quản lý công trình thủy lợi xã Ninh Lai cho biết: “Tình trạng thiếu nước vào mùa khô năm nay diễn ra nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Mực nước tại các hồ chứa, đập dâng đều xuống thấp, một số hồ chỉ còn đạt khoảng 30 - 40% dung tích thiết kế, điều này ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các thôn để theo dõi sát tình hình, đồng thời triển khai các biện pháp tiết kiệm nước như luân phiên lấy nước, nạo vét kênh mương nội đồng để giảm thất thoát…”.
Anh Phạm Văn Vinh, tổ 4 phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có hơn 30 năm gắn bó và sinh sống trên dòng sông Lô chia sẻ: “Chưa thấy mùa khô nào nước lại cạn nhanh và xuống thấp như năm nay. Mực nước tụt xuống thấy rõ từng ngày, có lúc phải dỡ bè cá đi tìm đoạn nước sâu hơn để cá không bị chết ngạt. Cá nuôi thì chậm lớn, thậm chí nhiều hôm cá bị chết vì thiếu oxy, nước sông thì đục và nóng hơn bình thường. Ngày trước, mỗi năm đến mùa khô cũng có giảm nước, nhưng không gay gắt như bây giờ. Mấy năm gần đây, thời tiết thất thường, ít mưa, nắng kéo dài, ảnh hưởng không chỉ đến người nuôi cá mà cả bà con trồng ngô, trồng rau hai bên bãi ven sông cũng khổ sở vì thiếu nước tưới tiêu”.
Hiện tượng El Nino đang gây ra những biến động thời tiết rõ rệt với lượng mưa giảm mạnh và nhiệt độ trung bình tăng cao hơn so với mọi năm. Tình trạng thiếu nước đang gây áp lực nặng nề lên sản xuất nông nghiệp, đồng thời đe dọa sinh hoạt hằng ngày của hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là ở vùng cao và khu vực ven sông. Nhiều hồ chứa, sông suối và nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn đã xuống mức thấp kỷ lục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nước nghiêm trọng nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, mùa khô năm nay được dự báo sẽ kéo dài, nguồn nước bổ sung bị thiếu hụt đã ảnh hưởng cả diện tích nước mặt và nguồn nước ngầm, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Chủ động ứng phó
Dự báo từ nay đến tháng 6, tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gay gắt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khu vực trong tỉnh thiếu nước cục bộ.
Trước nguy cơ hạn hán tiếp tục kéo dài trong năm 2025, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu nước. Văn bản yêu cầu UBND các huyện và thành phố chủ động thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, trong đó tập trung vào việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và phòng, chống hạn hán trong mùa khô.
Tình trạng thiếu nước khiến cánh đồng lúa nứt nẻ, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương được yêu cầu chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên cho các hoạt động chống hạn như nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi, khoan giếng, kéo nước về vùng khan hiếm, đồng thời thực hiện tiết kiệm, phân phối nước hợp lý.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh có trách nhiệm theo dõi sát tình hình nguồn nước, cập nhật liên tục các diễn biến của hạn hán, đặc biệt là tác động đến sản xuất và sinh hoạt. Các đơn vị chức năng cũng được giao nhiệm vụ kiểm kê, rà soát toàn bộ các nguồn nước hiện có, xây dựng và cập nhật phương án phòng chống nắng nóng, hạn hán và thiếu nước phù hợp với từng kịch bản thời tiết, để chủ động trong mọi tình huống.
Ông Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Tại 7 công trình cấp nước do đơn vị quản lý đang thiếu nước phục vụ người dân, Trung tâm đã có phương án bơm nước từ các công trình lân cận để cung cấp cho các hộ dân, với các công trình xa sẽ sử dụng xe chuyên dụng để cung cấp nước. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ sử dụng kinh phí dự phòng chống hạn để tu sửa các công trình cấp nước, nâng công suất khai thác phục vụ người dân”.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tình trạng thiếu nước và khô hạn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, tăng cường công tác dự báo, quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý chính là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà mỗi cá nhân, cộng đồng cũng cần tham gia trong việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước - tài nguyên quý giá của sự sống.
Gửi phản hồi
In bài viết