Xây nhà mới tiếp sức học sinh nghèo

- Những gia đình học sinh nghèo có nhà ở xuống cấp hoặc bị hỏa hoạn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành để xây dựng ngôi nhà mới. Ngôi nhà mới không chỉ là nơi che mưa che nắng, mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và sự sẻ chia, thắp lên niềm tin và động lực cho học sinh nghèo vươn lên trong cuộc sống và đạt kết quả học tập tốt hơn.

Những mái ấm mơ ước

Giữa những đồi cây xanh, ngôi nhà mới của gia đình em Ma Nhật Long, học sinh lớp Trung cấp Công nghệ ô tô K21A, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang ở thôn 2, xã Trung Trực (Yên Sơn) trở nên nổi bật. Chỉ mấy tháng trước, gia đình em rơi vào hoàn cảnh thật khó khăn khi ngôi nhà cũ và bao tài sản bị “bà hỏa” thiêu rụi. Vậy nhưng từ sự hỗ trợ từ các cấp các ngành và Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang gia đình em đã được hỗ trợ để xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Thầy giáo Đinh Việt Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết: “Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện khẩn trương. Do vậy đứng trước hoàn cảnh học sinh gặp khó khăn, nhà bị cháy không có chỗ ở, nhà trường đã huy động các nguồn lực ủng hộ từ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Qua đó giúp việc làm nhà được triển khai nhanh hơn, đến nay, gia đình học sinh đã hoàn thành ngôi nhà mơ ước”.

Các đại biểu tham gia khánh thành ngôi nhà mới của gia đình em Ma Nhật Long, học sinh lớp Trung cấp Công nghệ ô tô K21A, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang ở thôn 2, xã Trung Trực (Yên Sơn).

Trước đó, gia đình em Lý Thị Kia, một học sinh khác của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang nhà ở xã Yên Lâm (Hàm Yên) cũng đã được hỗ trợ 50 triệu đồng từ đoàn thanh niên các cơ quan của tỉnh. Em Kia xúc động chia sẻ: “Trước đây, gia đình em sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát, không đảm bảo sinh hoạt. Hoàn cảnh khó khăn khiến ước mơ về một ngôi nhà mới trở nên xa vời. Ngôi nhà mới này không chỉ là nơi che mưa che nắng, mà còn là động lực để gia đình em vươn lên, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo”.

Liên tiếp những ngôi nhà mơ ước cho gia đình học sinh nghèo được hoàn thành đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho học sinh vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Động lực vươn lên

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho học sinh, sinh viên nghèo luôn được các tổ chức đoàn, nhà trường quan tâm thực hiện.

Tại Lâm Bình, trước đây gia đình em Ma Thị Thùy, học sinh lớp 12, trường THPT Minh Quang cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Mẹ Thùy bị bệnh nặng, ba chị em nương tựa vào nhau để sống. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình em đã được tổ chức Đoàn địa phương hỗ trợ xây dựng “Ngôi nhà 26/3” với số tiền 50 triệu đồng.

Hành trình xây dựng những “ngôi nhà nhân ái” vẫn đang tiếp tục, mang theo những hy vọng và ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn cho các em học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tính từ năm 2024 đến nay, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều công trình và hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong đó, có 39 Ngôi nhà 26/3, nhà Khăn Quàng đỏ, nhà Hạnh phúc, có nhà 15/10 đã được xây mới, cùng với 2 công trình “Trường đẹp cho em” và 7 lớp học, mang lại điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh vùng khó khăn.

Đồng chí Hoàng Văn Nhật, Phó Bí thư Huyện đoàn Na Hang cho biết: Việc xây dựng những ngôi nhà nhân ái được Huyện đoàn triển khai từ nhiều năm nay. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, đoàn viên, thanh niên tại địa bàn xây dựng ngôi nhà còn ủng hộ ngày công lao động để giúp đỡ các gia đình. Trong những tháng đầu năm 2025, Huyện đoàn đã huy động lực lượng tham gia hỗ trợ làm nhà mới cho 15 hộ đoàn viên, học sinh nghèo trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp các bạn đoàn viên, thanh niên, học sinh nghèo trên địa bàn ổn định cuộc sống và vươn lên.

Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong làm nhà ở cho đoàn viên, học sinh nghèo được quan tâm đã thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” và phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời góp phần cùng với toàn tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

 Bài, ảnh: Mạnh Tùng

Tin cùng chuyên mục