Phấn đấu có sản phẩm gỗ mang thương hiệu quốc gia
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1 sản phẩm đồ gỗ được công nhận “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường, khẳng định vai trò là ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển công nghiệp nông thôn, gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao được giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Công nhân Công ty TNHH MTV Seshin VN2 may quần áo thời trang xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 500 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 8 doanh nghiệp lớn, có nhà máy hiện đại với công suất chế biến từ 20 - 130 nghìn m3/năm, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật. Nổi bật trong lĩnh vực này là Công ty CP giấy An Hòa. Hiện công ty đang vận hành 2 dây chuyền sản xuất: Dây chuyền bột giấy, công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền giấy cao cấp, công suất 140.000 tấn/năm. Công ty không ngừng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm của công ty như bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy đang được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty CP Woodsland Tuyên Quang công suất thiết kế 150.000 m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm: ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất từ gỗ rừng trồng.
Tổng hợp từ Sở Công thương, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng bình quân gần 8%/năm, chiếm trên 15% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ước 9 tháng 2022, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tương đương với cả năm 2021.
Công ty CP Woodsland Tuyên Quang là doanh nghiệp chế biến gỗ lớn số 1 tại tỉnh tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động. Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, công ty đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) trên diện tích 2,9 ha, với công suất 10.000.000 m3 nguyên liệu/năm. Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc chế biến gỗ ở đây đều được nhập khẩu từ Đài Loan với công nghệ hiện đại nhất nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Với 6 nhà máy đặt ở các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trọng điểm của tỉnh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho đôi bên. Doanh nghiệp, người trồng rừng, hình thành một chuỗi khép kín, từ sản xuất đến chế biến, hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.
Tỉnh vẫn đang tiếp tục thu hút và tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng công suất lớn phục vụ xuất khẩu như Tập đoàn An Việt Phát, Dự án sản phẩm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sao Việt… để thực hiện mục tiêu có sản phẩm gỗ rừng trồng Tuyên Quang mang thương hiệu quốc gia.
Quan tâm thu hút dự án tạo nhiều việc làm
Nguồn lao động đang là thế mạnh của tỉnh, vì thế tỉnh ưu tiên các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động như các dự án may mặc, giày da, sản xuất linh kiện điện tử…
Theo thống kê của Sở Công thương, đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 5 công ty sản xuất hàng may mặc gồm: Công ty TNHH MSA YB, công suất 3 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH MTV Seshin VN2, công suất 16 triệu sản phẩm/năm; Chi nhánh Công ty CP Quốc tế Phong Phú - Tuyên Quang, công suất 6 triệu sản phẩm/năm; Công ty CP Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG, công suất 5 triệu sản phẩm/năm; Công ty CP May Yên Sơn, công suất 5 triệu sản phẩm/năm. Các công ty này đã tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động.
Công ty CP Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG đang hoạt động hiệu quả và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động trẻ, lao động nữ trên địa bàn tỉnh. 9 tháng năm 2022, công suất sản xuất đã tăng gấp đôi năm 2021, cụ thể 9 tháng 2021 mới sản xuất được trên 1.100.000 sản phẩm; gần 9 tháng năm 2022 đã có 3.490.000 sản phẩm, đạt 295% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 174% kế hoạch năm, vượt kế hoạch năm 2022 là 1.490.000 sản phẩm. Dự kiến quý IV, đơn vị sẽ sản xuất được trên 1.500.000 sản phẩm. Ông Hoàng Quang Trung, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG cho biết, công ty đang tiếp tục mở rộng sản xuất, dự kiến năm 2023 có 2 nhà máy may LGG tại huyện Chiêm Hóa và Hàm Yên gồm: Nhà máy may công nghệ cao tuyên quang LGG2 tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) công suất 4 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy May Tuyên Quang LGG - xã Thái Sơn ( Hàm Yên) công suất 2 triệu sản phẩm/năm. Đồng thời tiếp tục khảo sát xây dựng nhà máy may ở huyện Lâm Bình, Na Hang với mục tiêu tạo việc làm cho lao động nữ tại những địa phương còn khó khăn. Vì vậy trong quá trình mở rộng sản xuất, tỉnh luôn tạo điều kiện để công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Cùng với ngành may mặc xuất khẩu thì sản xuất giày da có ưu thế phát triển tại tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 5 nhà máy của Công ty TNHH sản xuất Giày Chung JYE Việt Nam - Chi nhánh huyện Yên Sơn; Nhà máy sản xuất Giày Kiến Xương Tuyên Quang (Công ty TNHH An Giai) Cụm công nghiệp Phúc Ứng Sơn Dương, Công ty TNHH K-Star Vina Phúc Sinh (Sơn Dương), Công ty TNHH sản xuất Giày Chung JYE - Việt Nam - Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên), Công ty TNHH sản xuất Giày Chung JYE của Công ty TNHH Tập đoàn New Horizon (Sơn Dương), tạo việc làm cho trên 3.000 lao động.
Công ty TNHH K-Star Vina Phúc Sinh (Sơn Dương) 9 tháng sản xuất được trên 1.700.000 sản phẩm, đạt gần 72% kế hoạch năm, công ty đang tiếp tục mở rộng sản xuất. Ông Lê Jung Chi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH K-Star Vina Phúc Sinh cho biết, công ty đã thực hiện xây dựng xong nhà xưởng, kho thành phẩm, kho nguyên liệu và đang thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất giai đoạn 2 với công suất 3,5 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho 2.600 lao động, phấn đấu hoạt động trong quý IV-2022.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 17 dự án công nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Hiện có 40% số dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 60% số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh thu hút, chấp thuận đầu tư các dự án công nghiệp khai thác được thế mạnh về đất đai, lao động của tỉnh để không chỉ gia tăng về giá trị sản xuất công nghiệp, có dư địa phát triển, từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn.
Với mục tiêu cụ thể, thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh đang thu hút phát triển ngành công nghiệp thế mạnh hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội từng bước vững chắc, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết