Gỡ vướng mặt bằng
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 40,2 km. Trong đó, đi trên địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km, đi trên địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km. Dự án đang được triển khai thi công. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn còn vướng mắc gây khó khăn cho việc thi công. Theo thống kê của Ban quản lý dự án (BQLDA) các công trình giao thông tỉnh, đến hết tháng 8-2022, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 11,3 km/11,3 km cơ bản bàn giao xong. Địa phận tỉnh Phú Thọ đã thực hiện kiểm kê được 2.102 hộ và tổ chức; đã phê duyệt phương án bồi thường được 2.102 hộ và tổ chức, đạt 100% kế hoạch; chi trả tiền bồi thường được 2.067/2.102 hộ với giá trị trên 499,6 tỷ đồng. Hiện tỉnh Phú Thọ đã bàn giao mặt bằng được 27,3 km/28,93 km. Tuy nhiên, trong phạm vi đã bàn giao mặt bằng còn nhiều đoạn chưa giải phóng mặt bằng, không liền tuyến, rất khó khăn cho việc tổ chức thi công.
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ chạy qua xã Vân Du, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) có chiều dài 4,27 km, ảnh hưởng đến diện tích đất, cây cối, hoa màu và nhà ở của trên 200 hộ dân, trong đó có 40 hộ phải thu hồi nhà và đất ở. Xã Vân Du đã triển khai xây dựng 3 khu tái định cư tập trung và 3 khu tái định cư xen ghép được bố trí hành lang giao thông, vỉa hè, ta luy, hệ thống điện, nước, mương thoát nước đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Người dân cơ bản đã thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, còn một số hộ gia đình chưa nhất trí với phương án bồi thường vì cho rằng, đơn giá đất ở và vật kiến trúc còn thấp; công tác kiểm kê, kiểm đếm tài sản để giải phóng mặt bằng chưa sát với thực tế...
Cán bộ Công ty cổ phần Xây dựng Cầu đường 75 đối chiếu thiết kế với thực tế công trường.
Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: gỡ vướng mắc về mặt bằng, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với người dân xã Vân Du, để lắng nghe vướng mắc, tâm tư từng hộ để có cách giải quyết phù hợp. Đến nay, huyện đã bàn giao được 15,92/17,5 km. Huyện đang tiếp tục giao đất tái định cư, hoàn thiện đồng bộ các hạng mục tái định cư, tiếp tục vận động nhân dân đồng thuận giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn đã bàn giao mặt bằng được gần 9,6 km/10,02 km còn 0,4 km vướng mặt bằng. Hiện trên tuyến còn 55 hộ chưa bàn giao mặt bằng, thành phố Tuyên Quang 11 hộ, Yên Sơn 41 hộ. Gỡ vướng mặt bằng, chủ đầu tư đã phối hợp với các địa phương tìm hiểu cụ thể lý do các hộ dân chưa đồng thuận, giải quyết từng vấn đề đối với từng hộ dân để vừa đảm bảo quy định Nhà nước vừa đảm bảo quyền lợi tốt nhất đối với người dân, nhất là các hộ dân thực hiện tái định cư. Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, UBND huyện đang tập trung nhân lực để giải quyết từ bố trí đất tái định cư, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, giải quyết kiến nghị của người dân, đồng thời vận động để người dân đồng thuận để giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 9-2022.
Dồn lực thi công
Tiến độ thi công các gói thầu xây lắp từ gói 23 đến gói 29 thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đấu nối với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đáp ứng với phạm vi mặt bằng được bàn giao; giá trị xây lắp tháng 8-2022 đạt 455,7 tỷ đồng, đạt 24,91% giá trị hợp đồng.
Tại công trường thi công cầu Đoan Hùng, cầu lớn nhất trong 9 cây cầu thuộc dự án đường Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ do Công ty cổ phần Xây dựng Cầu đường 75 thi công đang có hàng trăm công nhân tập trung làm việc. Theo tiến độ cam kết thì cầu Đoan Hùng sẽ hoàn thành vào tháng 9-2023, nhưng đơn vị thi công sẽ nỗ lực cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2023, rút ngắn khoảng 8 tháng so với cam kết tiến độ. Anh Lê Nam Cường, tư vấn giám sát công trình cho hay, công trình không chỉ đáp ứng tiến độ, mục tiêu thi công mà còn phải đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật vậy nên mọi công đoạn thi công đều được giám sát kỹ, chuẩn để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn sau này.
Công ty cổ phần Licogi 14 thi công gói thầu số 26 dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Tại gói thầu 26 đang được Công ty cổ phần Locogi 14 bố trí 2 mũi thi công với 50 cán bộ và trên 40 đầu máy móc thi công đào đắp đất. Ông Nguyễn Tiến Minh, Chỉ huy trưởng mũi thi công thứ 2 cho biết: do địa hình đồi núi nên đơn vị phải làm đường công vụ, xử lý đất yếu, đắp đất cao từ 16 - 18 m nên mưa không làm được, trời nắng phải tập trung cao độ làm bù đắp. Bằng mọi cách phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Để đảm bảo tiến độ đặt ra, đơn vị lập biểu đồ thực tế tại công trường, duy trì chế độ báo cáo theo ngày để kiểm soát chặt chẽ giữa thực tế xây dựng với hồ sơ dự án.
Đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn là công trình giao thông cấp II, tổng chiều dài 10,02 km được mở mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đô thị. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 635 tỷ đồng với 5 gói thầu xây lắp, 8 nhà thầu. Đến nay, công trình đang được các đơn vị tập trung thi công. Anh Trần Văn Vương, tư vấn giám sát trưởng cho biết, có mặt bằng đến đâu nhà thầu đã thực hiện thi công đến đó, vừa đảm bảo công trình thi công liên tục, đáp ứng tiến độ, giải ngân nguồn vốn đầu tư. Việc thi công đến đâu gọn đến đó còn bảo đảm thi công đúng kỹ thuật tốt hơn.
Gần 12 giờ trưa, trời mưa nhỏ nhưng trên công trường xây dựng cầu Trắng (Tân Trào) công nhân vẫn đang làm việc bình thường. Anh Tạ Thanh Duy, giám sát thi công cho biết, do yêu cầu về tiến độ nên đơn vị thi công đã dồn lực thi công 6 tháng qua. Hiện đã đạt trên 70% khối lượng thi công với chất lượng được giám sát chặt chẽ về kỹ thuật, mỹ thuật. Tới đây, trời tạnh ráo sẽ tăng thêm nhịp độ thi công, đảm bảo hoàn thành thông cầu kỹ thuật trước tiến độ ít nhất 5 tháng.
Với sự quyết liệt từ tỉnh xuống cơ sở về gỡ khó công tác giải phóng mặt bằng đến nỗ lực tìm giải pháp thi công của các nhà thầu, những khó khăn do cả chủ quan và khách quan đang được khắc phục để thi công các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết