Cụ thể, theo ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, với địa phương có tình hình dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp hay "vùng xanh"), đơn vị quản lý di tích cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để mở cửa đón khách tham quan, như: Huy động lực lượng tổng vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực trong và ngoài khuôn viên di tích; trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư, điều kiện phục vụ phòng, chống dịch (máy đo thân nhiệt; nước sát khuẩn; hệ thống khai báo y tế; bảng, biển tuyên truyền, nhắc nhở về thông điệp 5K, phòng cách ly tạm thời ...); bố trí lực lượng nhắc nhở khách đến làm việc, tham quan tuân thủ các quy định phòng, chống dịch về khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, không tập trung đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người hướng dẫn...
Ngoài ra, 100% cán bộ, nhân viên, người lao động tại di tích tiêm mũi 2 vắc xin phòng dịch. Cán bộ, nhân viên phục vụ đón tiếp khách phải đeo khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn. Bộ phận kỹ thuật thường xuyên kiểm tra hệ thống camera giám sát, bảo đảm hiệu quả truy vết (khi cần).
Với cấp độ 2 (nguy cơ trung bình hay "vùng vàng"), bên cạnh việc thực hiện nghiêm các điều kiện tại cấp độ 1, các đơn vị cần triển khai thêm các biện pháp: Đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 20 người; thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cán bộ thuyết minh đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin (sau 14 ngày) hoặc là người đã khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của ngành Y tế.
Với những địa phương tình hình dịch Covid-19 ở cấp độ 3, các di tích, danh lam thắng cảnh đón tiếp, phục vụ các đoàn khách không quá 10 người, đồng thời phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch tăng cường khác theo quy định của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 243/KH-UBND về việc thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó xác định nguy cơ về dịch của thành phố đang ở cấp độ 2 (căn cứ theo các tiêu chí tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế). Đi kèm với đó là các biện pháp hành chính phòng, chống dịch Covid-19 tại một số lĩnh vực, trong đó có các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Cụ thể, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trong trường hợp tổ chức các hoạt động trực tiếp, cần tuân thủ các điều kiện: 100% người tham dự đã tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19; tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, cài đặt và quét mã QR; không tập trung quá 20 người; có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; những người thuộc diện cách ly theo dõi sức khỏe, có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 không tham gia các hoạt động trực tiếp; đơn vị tổ chức có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết