Cập nhật thông tin về nỗ lực đón khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý về chủ trương lộ trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, theo đó, lộ trình mở lại du lịch quốc tế được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11-2021, giai đoạn 2 từ tháng 1-2022, giai đoạn 3 từ quý II-2022. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và các chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam và Đà Nẵng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, khách quốc tế muốn đến các địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế của Việt Nam phải có đầy đủ giấy tờ về dịch tễ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Khách du lịch phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và địa phương liên quan. Trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người dân, các địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế đang khẩn trương tiêm đủ hai liều vắc xin phòng Covid-19 để tạo kháng thể cho tất cả người dân, kể cả người lao động đang làm việc tại địa phương, phân một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn thành khu nghỉ cách biệt dành riêng để phục vụ khách du lịch quốc tế”.
Cũng theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao. Theo đó, người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19. Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức các mẫu giấy nói trên được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao. Những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức các mẫu giấy nói trên có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để hợp pháp hóa hoặc xác nhận nội dung các giấy tờ này.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, trước khi Việt Nam chính thức chấp nhận hộ chiếu vắc xin của nước ngoài. Để được công nhận chính thức, hộ chiếu vắc xin nước ngoài cần đáp ứng Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vắc xin của các quốc gia và vùng lãnh thổ của Việt Nam đã được lãnh đạo chính phủ phê duyệt. Cụ thể, về loại vắc xin, Việt Nam chấp nhận các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ hoặc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Về hình thức, mẫu hộ chiếu vắc xin phải được cấp đồng thời trên môi trường điện tử, và bản giấy phải mang mã xác thực. Các quốc gia và vùng lãnh thổ cấp phải có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam, để áp dụng vào thời điểm thích hợp, tiến tới sớm nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương trao đổi với khoảng 80 đối tác để thúc đẩy công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin.
Gửi phản hồi
In bài viết