Các đối tượng trong một đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng và đòi nợ thuê có quy mô lớn bị tạm giữ
tại cơ quan Công an thành phố Hà Nội, tháng 5-2022.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hơn 300 đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài. Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đường dây này tổ chức cho vay nặng lãi qua các ứng dụng (app) “cashvn”, “vaynhanhpro”, “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Thủ đoạn của các đối tượng là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng có nhu cầu vay tiền qua các app trên, thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân và danh bạ điện thoại. Đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây và số tiền mà các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, thu lợi nhuận bất chính gần 500 tỷ đồng. Số tiền lãi sẽ được phía công ty tài chính cắt ngay khi chuyển tiền giải ngân cho khách hàng. Nếu không trả được nợ gốc, tiền lãi sẽ nhân lên theo ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, lên tới 2.190%/năm.
Nói về thực trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này…
Anh N.V.Q. ở quận Cầu Giấy chưa từng vay tiền qua bất kỳ app nào, nhưng vẫn bất ngờ khi thấy các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” liên tục gọi điện cho anh để đe dọa người vay tiền. “Tôi thấy các đối tượng cho vay nặng lãi cắt, ghép ảnh đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự người vay, hoặc người thân, bạn bè của người vay, gây áp lực trực tiếp để đòi tiền. Các đối tượng đăng tràn lan hình ảnh của nạn nhân kèm những thông tin liên quan trên mạng xã hội, thậm chí còn dọa gửi các hình ảnh trên đến nơi ở và nơi làm việc, khiến người vay suy sụp tinh thần”, anh N.V.Q. nói.
Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” gia tăng đã gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Các đối tượng sử dụng hàng trăm số điện thoại sim rác để không lộ tẩy… Không chỉ vậy, các đối tượng còn thường xuyên dùng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp, qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh, có những vụ việc, lãi suất cho vay lên tới 90-100% mỗi tháng, thậm chí lên tới 700-1.000% mỗi tháng.
Để ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, cùng với tăng cường điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng trước pháp luật, Công an thành phố cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền sở tại triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng chung tay đẩy lùi tội phạm…
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã giao nhiệm vụ cho công an địa bàn tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân trên mạng xã hội để phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết