Ông Nguyễn Thành Lượng, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) làm nghề phụ hồ. Năm nay ngoài 50 tuổi nhưng ông đã hơn 30 năm hút thuốc lá. Ông tâm sự: “Tôi biết hút thuốc từ thời thanh niên. Lúc đầu theo bạn bè tập hút thuốc, sau thành nghiện. Do đặc thù môi trường làm việc nhiều người hút thuốc lá nên những lúc giải lao, tôi và nhiều anh em khác hay lấy thuốc lá ra hút. Mặc dù biết hút thuốc lá không tốt cho sức khỏe nhưng tôi vẫn chưa bỏ được”.
“Tôi biết là trong khói thuốc lá có hàng nghìn chất hóa học, trong đó có rất nhiều chất độc hại, hút thuốc lá không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tốn kém về kinh tế, lại ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh. Vì vậy tôi cũng đang quyết tâm từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng hạn chế, hút ít dần, sau đó tiến tới bỏ hẳn”- ông Phan Văn Thắng, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) nói.
Nhiều biển hiệu cấm hút thuốc được gắn trong khuôn viên Trường Chính trị tỉnh.
Ông Lượng và ông Thắng chỉ là 2 trong số rất nhiều người đang thường xuyên sử dụng thuốc lá. Nhiều người thường tìm đến thuốc lá với các lí do như giảm stress, điều chỉnh cân nặng, do thói quen giao tiếp hoặc đơn giản chỉ vì thấy thích thú…
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh từ hút thuốc lá gây ra. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được xếp vào nhóm các chất gây nghiện tương tự như heroin và cocain. Các thành phần độc tính trong khói thuốc là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch và các bệnh về hô hấp…
Khói thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc, làm tăng 25 - 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ; nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc thụ động cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc…
"Để giảm tác hại của thuốc lá gây ra cho bản thân và cộng đồng, việc bỏ thuốc lá không bao giờ là muộn. Khi bỏ thuốc, cơ thể có khả năng tự phục hồi dần dần; nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng thuốc gây ra giảm đáng kể. Để làm được điều này, yếu tố quyết định là quyết tâm của người hút thuốc"- ông Vũ Chí Thành, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Sở Y tế chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với ngành Y tế, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định không hút thuốc lá ở nơi công cộng, trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, giảm số lượng người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết